Chuyện ít biết về dòng dõi “Quan lang xứ Mường”:

Bài dài kỳ của: Đỗ Doãn Hoàng

Trong thành kiến một thời, cả trong những bài viết và các bộ phim hư cấu dài tập chiếu trên Truyền hình Việt Nam gần đây, người ta nhắc không ít đến “tội ác” của các quan lang (quan lại) người Mường trong chế độ cũ. Theo đó, quan lang là tầng lớp “thống trị” tàn ác, là những bạo chúa làm các việc bất lương, hà hiếp dân lành đến độ không tưởng tượng nổi. Thậm chí, “chúng” nấu cả vạc nước sôi lớn để… luộc người. Con cháu nhà lang từng nhiều năm và ít nhiều rơi rớt đến tận bây giờ, vẫn bị thành kiến, điều tiếng, mặc cảm.

Tiếng “ác” kia thật ra cũng có cơ sở của nó. Nhưng đó chỉ là thiểu số, là huyền thoại người ta kể lại hoặc thêm mắm thêm muối vào vì những lý do mang tính “thời điểm”. Bởi có một sự thật chắc chắn là: không phải quan lang nào cũng tàn ác. Bà con người Mường ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam (đặc biệt là tỉnh Hòa Bình, nơi được mệnh danh là “xứ Mường”) đều biết một câu “ca”: “Khát nước xuống suối/ đói lòng thì đến nhà lang”, quan lang, nhiều “đại gia đình” đời đời làm quan lang đã rất thương yêu và cưu mang “dân chúng” của mình. Không chỉ là người “lãnh đạo” thời đó (cai quản dân chúng theo nghĩa hành chính); nhà lang còn là một nơi để bà con tôn kính, tôn kính từ trong tiềm thức nhiều thế hệ. Dòng dõi nhà lang, đôi khi được con cháu nhà lang gìn giữ như một thứ “gia phong” (uy tín) kiểu dòng dõi quý tộc bên trời Tây.

Loạt bài sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về những câu chuyện ít biết xung quanh dòng dõi nhà quan lang trên xứ Mường: ông Đinh Công Huy, đang là quan cai trị thời phong kiến, thậm chí được giặc Pháp mời ra làm Tỉnh trưởng, đã âm thầm đi mua máy in bạc giả, ra nước ngoài mua súng, tích cóp lương thảo đánh giặc Pháp giải phóng quê hương. Ba anh em trai bị bắt, trong nhà tù, hai người đã được các chí sỹ cách mạng lẫy lừng của Việt Minh giác ngộ lý tưởng cống ản. Họ đã trở thành những trí thức yêu nước, những dũng tướng xả thân vị quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, tặng nhiều kỷ vật quý. Ông Đinh Công Huy làm đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến (UBND) tỉnh Hòa Bình. Có cả tiểu đoàn mang tên “quan lang” Đinh Công Niết. “Quan lang” Đinh Công Đốc còn dẫn các “bộ tướng” của mình, cưỡng ngựa khoác gươm súng đi giải giáp quân đội Nhật, giải phóng nhiều địa phương tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa…, hào sảng như trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc chí. Hơn thế, thật kỳ lạ: ông Đốc đã ảm hóa được nhiều “chiến binh” Nhật, rồi kết nghĩa anh em và người Nhật này đã quên thân làm bia đỡ đạn cứu sống ông Đốc… Những tư liệu kể trên, được các gia đình “quan lang” gìn giữ, sinh động đến mức, hôm nay, chúng ta vẫn như có thể… sờ thấy được các sự kiện.

Tag :