Đời sống sinh hoạt của người Mường

Người Mường chủ yếu làm nương rẫy trên các sườn đồi, núi bao quanh thung lũng. Họ gieo trồng các loại lúa, ngô, khoai, sắn, cây bông… Trên nương người Mường cũng có tập tục trồng xen canh một vài giống cây khác như: đỗ, vừng trồng xen ngô. Đặc biệt hơn cả là sự có mặt của các nương bầu, bí, đu đủ, cùng với những thứ rau hoang mà người Mường tự kiếm, đây thực sự là vườn rau của họ.


Chính tập quán canh tác phong phú như vậy nên công cụ lao động của họ cũng rất đa dạng, phù hợp với địa hình ruộng bậc thang và nương rẫy: Chiếc hái (quào)- dùng để gặt lúa, liềm- để cắt cỏ gianh, goẹt- dụng cụ làm cỏ trên nương, dao- cắt lúa nương, kéo- vun đất trồng ngô…


Từ những công cụ lao động này, người Mường đã làm việc chăm chỉ trên mảnh đất của mình, và cũng chính từ trong cuộc sống lao động mà nền Văn hoá Mường sinh sôi, nảy nở.
Đồ dùng trong gia đình của người Mường không giống như một số dân tộc khác, nguyên liệu chủ yếu ở đây làm bằng: nứa, tre, bương, gỗ… là những thứ cây gần gũi, sẵn có. Với những đặc thù riêng đó, nghề đan lát của người Mường rất phát triển, họ làm ra các đồ dùng vừa hữu ích, tiện dụng lại không kém phần tinh tế.
Các đồ dùng trong gia đình của người Mường: Trỏ ổ( bồ), Troi ( sọt), Quốp (đồ rau, đồ xôi), Ớp (đựng rau, để đồ khô), Màm( giỏ đựng tôm, cua), Cạp( rá), Tấu( bơ đong gạo)…Nếu như nghề dệt gắn với sự tinh tế, khéo léo của phụ nữ Mường thì nghề đan lát lại thể hiện sụ tài hoa của người đàn ông Mường. Họ làm ra hầu hết các đồ dùng trong gia đình bằng kỹ thuật đan lát, đẽo gọt của mình, không những thế sản phảm của họ còn trở thành hàng hoá được các dân tộc khác rất ưa thích.

Tag :