Rồi mọi người sẽ hiểu tấm lòng của “con nhà lang” !
Cô giáo Đinh Lâm Oanh dạy môn lịch sử bậc phổ thông ở thành phố tỉnh lỵ Hòa Bình thời mới. Cô nổi tiếng là người phụ nữ đẹp, quý phái, từng đoạt giải nhất giáo viên thanh lịch, duyên dáng, dạy giỏi của tỉnh. Nhưng, nhiều người thắc mắc: sao lúc nào cô giáo Oanh cũng phảng phất nét buồn gì đó rất là xa vắng. Chỉ người ở gần cô mới hiểu, sự kỳ thị “con cái nhà lang” xảy đến với cô Oanh là có thật, nó không lớn đến độ dữ dằn hắt hủi, nhưng nó cũng chẳng bé đến mức người ta ngỡ cô giáo Oanh tự kỷ ám thị tưởng tượng ra sự “thị phi” đó. Nghe nói, ở tỉnh lỵ Hòa Bình, có thời (trước đây) người ta còn trưng bày các “dụng cụ” gong cùm, tội ác liên quan đến nhà lang mang họ Đinh của cô giáo Oanh. Cô Oanh không biết đến những “tội ác” mà người ta vẫn đồn thổi. Cô chỉ biết: ông nội mình có tới 7 bà vợ tất cả. Mắt cô được nhìn thấy, gặp gỡ 5 bà. Có khi, trong một ngày, ông Phủ cưới 2 bà vợ. Tất cả họ đều đoàn kết, thương yêu nhau, 7 bà thuộc 7 dân tộc khác nhau ở vùng Hòa Bình, có lẽ do tình cờ, ông chỉ không có bà vợ nào là người dân tộc Dao. “Còn lại, đủ cả” – cô Oanh nói, hơi hài hước mà lại cũng rất là mến thương. Bởi ngày xưa, nhiều vợ không phải là cái gì đáng lên án như bây giờ.
Nếu được hỏi: cô giáo Đinh Lâm Oanh thần tượng ai nhất trên đời? Chắc chắn, câu trả lời sẽ là: “Cha tôi, cụ Đinh Công Đốc”. Ông Đốc được cha là quan Phó lang Đinh Công Phủ cho học Tây học dưới trường Bưởi Hà Nội từ nhỏ, sinh ra ở cái thời “Ba mươi bốn lăm” (1930-1945) huyền thoại, ông Đốc đã sớm mang cái tráng chí đượm màu anh hùng ca, kiểu “thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời” của văn học lãng mạn. Ông đã gương cao ngọn cờ kháng Việt gian, kháng Pháp từ nhỏ. Thống lĩnh binh mã khắp cả chiến khu rộng lớn dọc sông Đà, từng dẫn đại binh đánh Pháp, từng cùng những người Cộng sản đi giải giáp vũ khí quân đội Nhật khắp nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình, lên mãi Sơn La, sang Thanh Hóa, tiến đến giáp biên giới Việt Lào, võ công văn trị của ông Đốc được người Hòa Bình kể mãi như một huyền thoại. Nhiều “chiến binh” người Nhật đã quy phục tài năng, đức độ của Đinh Công Đốc mà dẫn “hàng binh” lại, cắt máu ăn thề nguyện suốt đời làm anh em kết nghĩa với ông Đinh Công Đốc để dùng dốc lòng giúp người Việt Nam sớm giành được độc lập hoàn toàn. Có người Nhật như ông I Si (tên thường gọi), còn cải thành họ Đinh của người Mường, lấy hẳn tên Đinh Công Minh, nguyện làm người em “cắt máu ăn thề” của Đinh Công Đốc. Ông I Si chính là người đã cưỡi ngựa trắng, xông lên, dầm nát thân mình trong cơn bão đạn để cứu sống người anh Đinh Công Đốc trong một trận tử chiến bên bờ sông Đà. Từng là đội trưởng chiến khu Mường Diềm, là Ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình, là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 97 trung đoàn 148, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930, Phó giám đốc Trường quân chính Tây Bắc, Quyền Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Mai Đàn; nhưng, về già, ông Đốc làm lụng như một tiều phu đích thực, đóng gạch, kiếm củi, lặn lội vào tận dải đất miền Trung, nhọc nhằn kiếm kế nuôi con thanh bạch trong cái thời cả nước còn khó khăn. Năm 1994, ông Đốc trút hơi thở cuối cùng tại thị xã Hòa Bình. Vài năm sau, cô giáo Oanh mới được xúc động làm một việc mà suốt nhiều năm cô đã đau đáu: cô lặng lẽ đặt tấm Huân chương kháng chiến hạng nhất do Nhà nước Việt Nam giành tặng những đóng góp quý báu của con nhà lang Đinh Công Đốc lên ban thờ cha mình.
Ông Đốc sống giản dị, đặc biệt tha thiết thiên nhiên và các cộng đồng thiểu số vùng Tây Bắc. Ông từng lang thang khắp núi rừng Hòa Bình để theo chân con gái Đinh Lâm Oanh lận đận làm giáo viên cắm bản. Khi cô giáo Đinh Lâm Oanh tròn 18 tuổi, ông Đốc dắt con đi khắp núi non vùng Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, toàn bộ “cõi trời Tây Bắc” ông thuộc như lòng bàn tay. Đi bộ, tay nải nhẹ trên vai, cây gậy chống thênh thang dốc núi, bố con ông Đốc đến bản làng nào, bà con người Thái, Mường, Dao, Mông, Tày… đều đón ông như đón người thân trở về. Suốt ba tháng trời, hai bố con đi trong mây mù, sống trong tình cảm nồng hậu của những người từng cưu mang ông Đốc và các chiến binh quả cảm của ông dọc đường xả thân diệt thù vệ quốc.
Cô giáo Oanh bảo, suốt đời cô không thể quên được cả trăm ngày sống trong vùng huyền thoại núi và mây cùng bố đó. Núi rừng, bản làng, các cộng đồng người, ông Đốc thân thuộc và thương mến như chân như tay của mình, vừa đi, ông vừa giảng giải cho con gái nghe từng lý lẽ của cỏ cây, của các cộng đồng người, của tình đồng chí từ lúc đất nước còn chìm trong nô lệ. Chính vì thế, mà sau này cô Oanh đã chọn con đường thi vào sư phạm ngành sử, để có cơ hội hiểu thêm về những điều mà người cha ấy chưa kịp nói hết với cô.
Tôi (người viết bài này) lần giở từng trang “hồi ký”, tư liệu, những tấm ảnh cũ nát do ông Đinh Công Đốc để lại mà lòng không thôi thổn thức về một nhân cách người Mường khả kính. Trong cuốn sổ công tác sờn cũ, mà suốt đời chiến chinh, công tác, ông Đốc luôn mang theo bên mình, ở trang trang đầu là tấm ảnh Hồ Chí Minh được cắt từ tờ công báo và lời đề viết tay nắn nót do ông Đốc viết: “Hồ Chí Minh sống mãi”; lật trang thứ hai là tấm ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ với dòng chữ viết tay của ông Đốc, rất nắn nót: “Võ Đại tướng muôn năm”. Bên cạnh đó là tấm ảnh ố cũ, có chú thích về cái thành phố Hô Kê Ha Ma (?), gia đình dòng họ bên nước Nhật của người anh em kết nghĩa I Si của ông Đốc đã sống. Tất cả được giữ gìn trân trọng. Bởi ông I Si đã quên mình cứu ông Đốc. Mộ ông I Si được đặt ở khu vực Dốc Sung, nơi ấy giờ vùi dưới 9 tỷ m3 nước của lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, công trình thế kỷ của Việt Nam. Sinh thời, nhiều năm, ông Đốc vẫn thường ra khu vực nhà máy, nhìn xuống lòng hồ mênh mang nước bạc mà khóc nhớ I Si (tên Mường của ông I Si, cải theo họ của ông Đốc, là Đinh Công Minh).
Cô giáo Oanh nức nở hồi tưởng lại: trong những năm tháng khó khăn, bố tôi tự đóng gạch mộc xây nhà, lên rừng kiếm củi bán, khi anh chị em tôi bị kỳ thị vì là con nhà quan lang, có người khóc lóc chạy về mách bố, bố bảo: “Không sao con ạ. Rồi trời lại sáng thôi. Đến một lúc nào đó mọi người rồi sẽ hiểu mình. Các con hãy nhớ làm được điều gì tốt cho đời thì mình cố gắng mà làm thôi. Rồi mọi người sẽ hiểu”. Bố muốn chúng tôi có một tuổi thơ sáng trong, lạc quan như vậy, dù chưa chắc lúc đó bố đã dám nghĩ như vậy. Chiếc áo trấn thủ do Bác Hồ tặng, cùng các kỷ vật chiến tranh được ông Đốc trân trọng lưu giữ suốt nhiều năm, hiện chúng được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Từ tháng tư năm 1945 đến cuối năm 1954 là những tháng ngày làm cách mạng sôi nổi và đầy nhiệt huyết của ông Đinh Công Đốc. Là đội trưởng chiến khu Mường Diềm, là ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình, là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 97 trung đoàn 148, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930, phó giám đốc trường quân chính Tây Bắc, quyền Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính (nay là UBND) huyện Mai Đà; đến cuối năm 1954, ông Đinh Công Đốc xin nghỉ về làm ruộng tại quê nhà. Ông mất năm 1994, trong cảnh nghèo khó.
“Sợ cuộc đời sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa!”
Sinh năm 1925, là con một quan lang nổi tiếng cai trị vùng đất rộng lớn và màu mỡ (khu vực Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện nay), cậu bé Đinh Công Đốc là một cậu ấm sống trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen. Ông nội Đinh Công Đốc là Đinh Công Quế, đã bị giặc Pháp đầu độc chết sau quá trình chiêu binh mãi mã có ý định kháng Pháp. Cha Đinh Công Đốc là Đinh Công Phủ, cực chẳng đã làm Phó Lang, dưới quyền giặc Pháp và bè lũ tay sai. Được sự giác ngộ của đặc phái viên Tổng Bộ Việt Minh, đồng chí Phan Lang (sau này là Thiếu tướng), ông Phủ đã dùng uy tín quan lang của mình, vận động đồng bào Mường ủng hộ kháng chiến. Sau Tổng khởi nghĩa, ông Phủ được cử làm Chủ tịch Lâm thời tỉnh Hòa Bình, đã nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Đinh Công Đốc là con trai cả của Đinh Công Phủ, từ nhỏ, được cha cho học hành tử tế ở trường Tây dưới Hà Nội, ông đã sớm bắt được cái ngọn gió thời đại, tư tưởng phóng khoáng, thấy được cái nhục làm nô lệ. Cuốn hồi ký dày và cũ ố, chữ mất chữ còn của ông đã khiến người viết bài này thức trắng nhiều đêm để luận từng chữ. Nhưng, tôi còn thao thức hơn, là vì cái tráng chí của một người đàn ông Mường. Thật đáng cảm kích. Lịch sử sinh động của một thời rối ren, thời trứng nước cách mạng, thời khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 đã hiện ra rờ rỡ. Người thật, việc thật, cái góc nhìn của gã trai người Mường rất là ngộ nghĩnh và “đầy hùng tâm tráng khí”. Cảm như cái hơi hướng của nhân vật trữ tình trượng nghĩa thời 1930 – 1945 nào đó đã ít nhiều hằn trong hình ảnh con nhà lang Đinh Công Đốc, khi chàng vươn ra với ánh sáng cách mạng, tôi đã làm phép cộng trừ năm tháng: thì ra, sinh năm 1925, Đinh Công Đốc lớn lên và đón làn gió thời đại đúng vào thời kỳ 1930 -1945, một thời kỳ của ánh sáng. Cậu bé người Mường, vươn ra khỏi bản Mường, đã sớm hiểu cái lẽ “chí làm trai dặm nghìn da ngựa” để tận tâm tận lực góp phần đưa cộng đồng, đưa non sông đến con đường sáng.
Xin phép linh hồn cụ Đinh Công Đốc ở tít mãi cõi xa xanh, tôi chép lại đôi phần cuốn hồi ký tản mạn, gạch xóa, cũ ố, chữ được chữ mất của ông, như một cách để bày tỏ lòng cảm kích, tôn kính một nhân cách Mường hiếm có. Ông nội (Đinh Như Quế) và bố đẻ (Đinh Công Phủ) đều bị giặc Pháp giết chóc, hà hiếp đủ đường, từ nhỏ, ông Đốc đã nấu chí tìm đường đánh đuổi giặc Pháp và tay sai. Ông viết về mối nợ nước thù nhà của mình như sau:
“.. Sau này, Đinh Như Quế bị giặc Pháp sát hại, ông để lại một người con nấu chí báo thù cho cha từ khi còn rất nhỏ, đó là Đinh Công Phủ. 15 tuổi Đinh Công Phủ đã tích trữ lương thảo và vũ khí trong nhà chuẩn bị đi đánh giặc, giặc Pháp biết tin đến khám nhà và đòi đưa ông Phủ đi tù. Phải chạy chọt mãi mới thoát. Khi ảnh hưởng của ông Phủ đã lớn trong cả vùng, giặc Pháp đi tuần tiễu ở khắp vùng Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, chúng bắt ông Phủ phải đi cùng chúng, để chúng giám sát xem ảnh hưởng của ông Phủ đến dân chúng đến mức nào. Khi kết thúc hành trình, chúng lại đòi ở lại ở nhà ông Phủ một đêm một ngày để dò la tin tức. Thấy vậy, ông Đinh Công Quyền, Tri phủ Mai Đà…, bèn bảo mẹ của ông Phủ vào lạy Chánh sứ Pháp Lipecky và tuần phủ Dương Quý Biên. Khi bà cụ vừa định cúi đầu lạy, thì ông Phủ xông vào, kéo mẹ mình ra, nói to: Con có tội thì con chịu tội, việc gì đến mẹ mà mẹ phải cúi đầu lạy người ta!
“Bọn chúng bèn đổi thái độ, chúng gọi tôi (Đinh Công Đốc – Đ.D.H) và em trai tôi là Đinh Công Ký (năm ấy tôi 15 tuổi) vào, tên tay sai Dương Quý Biên xảo quyệt thật, hắn chằm chằm ngắm nghía tôi và em tôi, hắn bảo: cậu này được cái tai, cậu này được đôi mắt, xống mũi, rồi dấn chúng tôi vào cuộc xòe và uống rượu cùng họ. Còn tên công sứ tây, nằm ở phòng khách mân mê ả phù dung”.
Những dòng lịch sử, xúc cảm, hồi ức người thật việc thật vô cùng quý giá về đất nước ta, cụ thể là xứ Mường một thời loạn ly với sự hành hoành của giặc Pháp và tay sai. Ông viết tiếp:
“Người Mường chúng tôi, những người có học, là con nhà Lang, nhà thế phiệt, lúc đầu (thời kỳ đó), họ nghĩ về cách mạng với một tâm hồn sợ sệt, họ sợ ảnh hưởng đến ngôi vị (tầng lớp thống trị) của họ. Còn tôi thì khác, bố tôi khác, tôi hiểu hơn họ là biết thời cuộc. Nếu tham làm quan thì năm 1942 tôi 17 tuổi đã làm phó Châu con rồi. Nếu tham vọng thì sống luôn bị nó (giặc Pháp) đem bả vinh hoa phú quí đầu độc, tuổi trẻ sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa… Nên tôi đã khước từ nó không một chút mảy may suy nghĩ… Tôi đã đăm chiêu suy nghĩ mà ly khai và khước từ, dám cắt đuôi với cái cũ để đón lấy cái mới hoàn toàn để hứng lấy cái ưu việt của thời đại”.