Họa sĩ Vũ Đức Hiếu: Người hồi sinh Bảo tàng không gian văn hóa Mường

Vụ cháy nhà Lang Bảo tàng không gian văn hóa Mường gây xôn xao dư luận cuối tháng 10 – 2013 đã lôi cuốn sự chú ý của báo giới vào nhiều sự kiện liên quan sau đó.

Nào là cuộc khởi tố vụ án của cơ quan chức năng, tiến trình điều tra kéo dài chưa có kết luận, đến việc tạm đình chỉ vụ án. Nào là một cuộc sắp đặt tác phẩm nghệ thuật trên đống tro tàn đổ nát, cho đến cuộc khởi động gây quỹ phục dựng nhà Lang đầu mùa hè qua.

Mới đây lại là cuộc góp sức hiếm thấy của 50 họa sĩ thuộc nhiều thế hệ, trong đó có nhiều tên tuổi, với số tranh, tượng được tặng để bán đấu giá vì nhà Lang, lên đến 54 tác phẩm. Cùng với đó là lời kêu gọi cộng đồng tiếp tục chung tay đóng góp để cùng khôi phục ngôi nhà Lang hiếm hoi còn lại của xứ Mường Hòa Bình, được phát đi từ bảo tàng.

Buồn đau, lo lắng, hy vọng, chờ đợi… ở đằng sau tất cả các hoạt động, sự kiện ấy, lặng lẽ và cần mẫn thu gom tàn tích hỏa hoạn, kiên trì tiếp tục các hoạt động bình thường của bảo tàng, cố gắng xây dựng ý tưởng cho các sự kiện mới, và rất đỗi hy vọng, phấp phỏng khi bạn hữu, đồng nghiệp kêu gọi cộng đồng trong một số hoạt động gây quỹ…, đó là giám đốc bảo tàng – họa sĩ Vũ Đức Hiếu – Hiếu Mường.

Không hiểu vì suy nghĩ nào đó chăng, mà bạn bè thấy chủ nhân trẻ nhưng đã sớm… khắc khổ của bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Hòa Bình này, rất hợp với những công việc ấy. Việc của một người luôn cố gắng đi hồi sinh những tàn phai.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu – tức Hiếu Mường.

Hẳn là như vậy! Không phải đợi đến mất mát không may của ngôi nhà Lang và hàng trăm hiện vật quý trong đó, cùng sự tổn hao tinh thần của khổ chủ, gia đình cùng các nhân viên bảo tàng, mà gần chục năm trước, chính sự ra đời của Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã cho thấy trách nhiệm tự thân đó của Hiếu Mường, như một “duyên phận” của người nặng nợ với cổ truyền, như một người được xa sâu quá khứ chọn lựa để giữ gìn những trầm tích thời gian của đất Mường xưa.

Đằng sau sự bề thế đáng ngạc nhiên của bảo tàng trong lễ khai trương một ngày tháng 12-2007 với cơ ngơi rộng rãi chứa hệ thống cả ngàn hiện vật được trưng bày theo từng nhóm rất sinh động, lại thêm phòng sách báo, tư liệu văn hóa Mường…, là những năm tháng lăn lóc của sinh viên và sau này là họa sĩ Vũ Đức Hiếu vào các làng bản Hòa Bình.

Học cùng lúc hai trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp từng có quãng thời gian đi làm trình bày tạp chí, tiếp về sau này là sáng tác tự do và làm… Giám đốc bảo tàng, xuyên suốt những chặng của thời gian hàng chục năm ấy, là những cuộc điền dã, ghi chép, gặp gỡ thường xuyên và kết thân cùng bà con Mường, là việc học tiếng Mường, tìm hiểu các tập quán sinh hoạt, canh tác, học những bài thuốc và cả những bài dân ca, những bài cúng… Rất nhiều điều Hiếu đã tìm cách thấm vào trong mình khi chúng ngày càng mỏng manh và vắng đi dần trong đời sống mới. Một đời sống mà cuốn theo nó, người ta phải lo toan việc làm ăn và đón nhận những cái mới đôi khi xa lạ.

Những cái nơm, giỏ, gùi, bộ lưới…ngày càng nhiều lên sau mỗi chuyến thực tế của Vũ Đức Hiếu.

Còn những cái cũ, trong đó có cả những tinh túy cứ mất dần không gian tồn tại, lưu truyền. Nhìn những ngôi nhà sàn vắng dần, nhìn thanh thiếu niên ngày càng ít nói tiếng Mường hơn, không mấy hát dân ca nữa và chủ yếu mặc những kiểu quần áo mới, trong lòng họa sĩ trẻ cũng mang chung nỗi lo lắng với cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa một thời. Rất nhiều thứ Hiếu đã tìm cách giữ lại để đơn giản là mong lớp người hôm nay và những thế hệ sau lên đến Hòa Bình, lên với “xứ Mường”, có thể biết người Mường xưa, đến cả cách đây chưa lâu, và cả rải rác hiện nay nữa, đã sử dụng những gì cho đời sống, đã kính thờ ra sao, đã trân trọng và học hỏi thiên nhiên như thế nào…

Những cái nơm, giỏ, gùi, bộ lưới, những con dao, khẩu súng, chiếc nồi đồng, cái cối xay, cho đến bộ chiêng… ngày càng nhiều lên sau mỗi chuyến thực tế. Dành dụm, tằn tiện mọi khoản tiền, Hiếu mua các hiện vật về, đánh số, cất giữ, bày kín cả quán café nhỏ của bố mẹ anh dưới một con dốc ngắn ở TP Hòa Bình. Tất nhiên, có cả những hiện vật không mua bằng tiền, mà nhận về bằng cả niềm tin trao gửi của những gia đình từng sở dụng chúng. Người ta tặng lại Hiếu sau một thời gian tiếp xúc, “thẩm định tư cách” rồi trở nên quen thuộc, thân thiết, và bởi Hiếu muốn gìn giữ chúng để kể lại những câu chuyện văn hóa Mường với những người khác, chứ anh đâu phải là người mua đi bán lại.

Càng nhận được những vốn liếng văn hóa hiển hiện bằng vật chất lẫn bằng lời nói, bằng trí nhớ, bằng tình cảm như thế, Hiếu càng trở thành người “mang nợ”, một món nợ văn hóa với ý nghĩa đẹp đẽ và cũng không kém vất vả. Anh cần có một nơi để lưu giữ, bảo tồn những di sản ấy. Động lực của việc xây dựng bảo tàng ngày càng lớn để Hiếu từng bước vượt qua những khó khăn, tốn kém trong việc cải tạo không gian cả một sườn đồi lớn, mua những ngôi nhà sàn đặc trưng cho các tầng lớp cư dân Mường xưa về lắp dựng, lại nhận và lo lương, lo ăn ở cho một loạt nhân viên bảo tàng hầu hết là người Mường để các bạn trở thành cầu nối khách tham quan với những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Gần 10 năm qua, bảo tàng tư nhân đầu tiên của Hòa Bình hầu như luôn thường trực với オンライン カジノ những thiếu thốn, lo toan này, bởi luôn phải tự lực. Nhưng cũng trên những trở ngại ấy mà không gian này với những công phu của họa sĩ giám đốc và các cộng sự, đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trở thành điểm đến thường xuyên của du khách và các văn nghệ sĩ, đến trong sự trân trọng hơn với bản sắc văn hóa đất Mường.

Hiếu Mường ăn ngủ chưa yên với giấc mơ hồi sinh nhà Lang.

Bây giờ, những nỗ lực phục dựng nhà Lang cũng chính là sự gắng sức trả một “khoản nợ” lớn nữa, buồn thay lại do sự vô ý thức, vô trách nhiệm của một số người gây ra. Dĩ nhiên, có những thứ đã mất không thể lấy lại, nhất là với một phần cột, sàn, những khung cửa sổ của cả trăm năm qua và bộ súng săn tuyệt đẹp, bộ chiêng lâu đời, cùng giỏ, cùng gùi đựng chăn gối được đan rất khéo… đã cháy rụi, đã nóng chảy trong đám lửa. Nhưng tinh thần của di sản nhà Lang, những hoài niệm còn có thể chảy cùng đương đại và cần được hòa đồng trong đời sống hôm nay, rất cần được lưu giữ, phục sinh.

Vì vậy, Hiếu Mường ăn ngủ chưa yên với giấc mơ hồi sinh nhà Lang suốt nhiều tháng qua. Sẽ là một nhà Lang mới, nhưng đúng hình dáng, kết cấu của nhà Lang đã bị cháy, bằng nguyên liệu gỗ truyền thống, dưới bàn tay những người thợ mộc đất Mường và những kỹ thuật lắp dựng quen thuộc, như ngôi nhà Lang trước kia đã mọc lên như thế nào, đã được di chuyển về và tọa lạc tại bảo tàng từ năm 2007 đến 2013 ra sao. Lúc nào Hiếu Mường cũng mong ngóng cái ngày hồi sinh đẹp đẽ ấy, đặc biệt khi giấc mơ này mấy tháng qua đang tiếp tục được nhiều bạn bè văn nghệ sĩ cùng chung tay tạo dựng hình hài. Hai sự kiện triển lãm – sắp đặt “Giai điệu núi đồi” và “Giấc mơ hồi sinh” đã diễn ra, bán được một số tác phẩm dù số tiền thu được còn khiêm tốn.

Giới thiệu trên website của bảo tàng mong đón nhận sự quan tâm trả giá của những người yêu nghệ thuật. Nhà Lang ấy chờ đến ngày hiển hiện trở lại, ngôi nhà đang trên hành trình được kể tiếp câu chuyện từ tro tàn đến những ý tưởng, những hy vọng và đến những bàn tay cùng góp sức. Không thật giống y hệt, nhưng hành trình này như cũng gần gũi với những di sản chung được cộng đồng góp công góp của tạo dựng trong quá khứ. Và rất có thể, đến mai kia, nhà Lang trở lại, sẽ được coi là một ngôi nhà bạn bè, một ngôi nhà của cộng đồng.

Nhà Lang sau khi bị cháy.

Một mình Vũ Đức Hiếu không thể làm được hết, như chính anh đã chia sẻ khi nhận giải thưởng Phan Châu Trinh – “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” vào tháng 3-2013, về những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều người xung quanh mình, gia đình, các nhân viên bảo tàng, những chuyên gia, các nghệ sĩ… để cùng làm nên một bảo tàng danh tiếng. Nhưng đáng quý khi hành trình “gom nhặt” văn hóa của anh bao năm qua, cùng những ý nguyện tốt đẹp về nhà Lang của anh, đang lay động và truyền cảm hứng cho mọi người.

Theo Năng lượng mới

Nguồn: http://www.ngaynay.vn/Hoa-si-Vu-Duc-Hieu-Nguoi-hoi-sinh-Bao-tang-khong-gian-van-hoa-Muong-p282404.html

Tag :