Người trẻ nhất giành Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

Không phải là người dân tộc Mường nhưng có lẽ cái duyên đã đưa Vũ Đức Hiếu đến với việc sưu tầm những đặc trưng của văn hoá Mường.

Câu chuyện về văn hóa của cộng đồng dân tộc Mường đã được họa sĩ trẻ Vũ Đức Hiếu ấp ủ và xây dựng từ năm 2008 tại địa chỉ mang tên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Từ những hiện vật cổ đến mảnh gỗ, tấm áo rách, chiếc cối xay… đã được anh thu lượm và thổi hồn một cách khéo léo với mong muốn văn hóa Mường không bị mai một và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Vinh danh ý tưởng này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao giải thưởng Vì sự nghiệp Văn hóa Giáo dục cho họa sĩ trẻ Vũ Đức Hiếu.

Người ta thường quen gọi chàng trai sinh năm 1977 này là “Hiếu Mường”. Anh không phải là người dân tộc Mường nhưng có lẽ cái duyên đã đưa anh đến với việc sưu tầm những thứ mà người ta ném đi từ bản Mường. Ban đầu là những bản vẽ từ thời sinh viên, người xem cảm nhận rõ hình ảnh cuộc sống dân tộc Mường trong tranh của anh. Rồi những ngày tháng trèo đèo, lội suối tìm về các bản Mường xa lắc của các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa… đã đem lại cho anh vốn sống mà không phải bất cứ ai cũng có thể có được.

Họa sĩ trẻ Vũ Đức Hiếu – Người thu lượm và thổi hồn một cách khéo léo với mong muốn văn hóa Mường không bị mai một và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Tình yêu ấy cứ nhen nhóm dần và cái tên “Hiếu Mường” với không gian văn hóa rộng chừng 2 ha đã trở thành thương hiệu mà bất cứ du khách nào khi đến với Hòa Bình đều mong muốn đặt chân tới. Đối với anh, tình yêu ấy đủ lớn khi biết rằng, về với bản Mường cũng chính là về nhà mình vậy.

“Để xây dựng được bảo tàng tôi đã có hơn chục năm trước đó sống với bản Mường. Việc tôi về với các bản Mường cũng giống như về nhà. Đối với các bản Mường cổ hay người Mường gốc thì thói quen sống cộng đồng còn giữ được nhiều. Trong bản có người nào gặp khó khăn thì bà con đều hỗ trợ, ra tay cứu giúp người đó. Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của văn hóa Mường” – anh Vũ Đức Hiếu chia sẻ .

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường có đầy đủ kiến trúc cơ bản của cư dân Mường, bao gồm nhà của bốn giai tầng trong xã hội Mường cổ xưa (Lang, Âu, Nóc và Nóc Trọi), có vườn thuốc và nhiều phòng lưu giữ, trưng bày nông cụ, đồ dệt vải, dụng cụ săn bắt, cồng chiêng…. cùng một thư viện với nhiều tài liệu nghiên cứu về dân tộc Mường và văn hóa Mường. Tính chuyên sâu của bảo tàng cho phép người ta hình dung cụ thể và sâu sắc một nền văn hóa bản địa, ít nhất có từ thời văn hóa Hòa Bình cách đây 10.000 năm, đặc biệt là nền canh tác của người Mường trong nông nghiệp Việt Nam.

Bảo tàng còn có nét độc đáo khi các cán bộ, nhân viên chính là những người Mường ở địa phương, một số sống ngay trong các nhà của bảo tàng, phục vụ công tác nghiên cứu. Trong chừng mực nhất định thì họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã tạo ra không chỉ một bảo tàng mang tính chất sưu tập những hiện vật, tài liệu quý mà còn là một dạng bảo tàng sống.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – thành viên trong hội đồng khoa học của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, Vũ Đức Hiếu là tác giả trẻ nhất được đề cử và đạt 100% số phiếu ghi nhận cho sự đóng góp của anh trong bối cảnh văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đang chờ đợi một sự đổi mới.

Khu nhà sàn Mường trong bảo tàng Không gian văn hoá Mường của Vũ Đức Hiếu ở Hoà Bình (ảnh: Anh Tuấn/SGTT)

Đóng góp thầm lặng của Vũ Đức Hiếu trong nhiều năm qua và 5 năm trở lại tính hiệu quả đang tốt dần lên. Hàng vạn du khách, có cả nước ngoài đã đến thăm, ở lại làm việc đã có những tác động tốt cho văn hóa cộng đồng của chúng ta. Hiện nay, việc bảo tồn giá trị của Di sản, chúng ta còn chưa làm tốt. Ngoài Nhà nước ra thì đóng góp của cá nhân chưa được bao nhiêu. Cho nên đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam bảo tồn những giá trị văn hóa của người Mường cổ.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường còn được sử dụng như một điểm đến cho nghệ thuật Việt Nam đương đại. Hai hoạt động trại sáng tác Đất Mường 1 tổ chức năm 2011 với sự tham gia của hơn 30 nghệ sĩ trong nước, trại sáng tác Đất Mường 2 với tên gọi “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” tổ chức năm 2012 với hơn 60 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia trên thế giới, không chỉ là sự kiện nghệ thuật thuần túy mà còn mang ý nghĩa văn hóa xã hội to lớn.

Qua các hoạt động đó đến nay Bảo tàng Mường đã xây dựng được một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng và có tính quốc tế, trở thành một địa chỉ nghệ thuật đương đại bắt đầu được biết đến trên bản đồ nghệ thuật khu vực ASEAN. Ý tưởng đưa nghệ thuật đương đại xuất hiện và kết hợp trên một không gian văn hóa cổ truyền cũng là một ý tưởng độc đáo và sáng tạo, bước đầu thành công của họa sĩ Vũ Đức Hiếu.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, những hình thức bảo tàng mang tính chuyên biệt như Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đang thực sự thiếu ở nước ta. Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau thì mới có Bảo tàng Dân tộc học là bảo tàng chung cho tất cả các dân tộc. Tương lai, chúng ta cần có thêm nhiều bảo tàng dân tộc dành cho những cộng đồng văn hóa, cộng đồng sắc tộc lớn như: người Thái, H’Mông, đồng bảo dân tộc ở Tây Nguyên… Hơn nữa, thực trạng hoạt động của bảo tàng ở nước ta mới chỉ dừng lại ở vai trò lưu giữ mang tính lịch sử chứ chưa thực sự sinh động và có hơi hướng của cuộc sống đương đại.

5 năm xây dựng và đi vào hoạt động – chừng ấy thời gian mới chỉ là bước đầu trong việc quy hoạch một mô hình bảo tàng mở, mang tính chuyên biệt của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Thế nhưng, những đóng góp của anh đã góp phần khích lệ tinh thần cho những nghệ sĩ trẻ trong việc khẳng định vai trò cá nhân và hướng đi mở trên con đường đến với nghệ thuật./.

Theo VOV

Tag :