Mỗi tuần gặp một người: Để thức dậy ý thức bảo tồn di sản trong xã hội

Cuộc vận động ủng hộ tranh tượng và bán đấu giá tác phẩm để tái dựng lại ngôi Nhà Lang trăm tuổi (bị đốt cuối tháng 10- 2013) tới nay nhận được sự đóng góp nhiệt tình của hơn 50 nghệ sĩ mỹ thuật trên cả nước. Có người không chỉ một mà hai, ba tác phẩm. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương về “chuyện lạ” chưa bao giờ từng có này…

Cuộc vận động ủng hộ tranh tượng và bán đấu giá tác phẩm để tái dựng lại ngôi Nhà Lang trăm tuổi (bị đốt cuối tháng 10- 2013) tới nay nhận được sự đóng góp nhiệt tình của hơn 50 nghệ sĩ mỹ thuật trên cả nước. Có người không chỉ một mà hai, ba tác phẩm. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương về “chuyện lạ” chưa bao giờ từng có này…

 

Phóng viên (PV): Ông có thể giải thích được “hiện tượng” của cuộc đóng góp này, hơn 50 tác giả, hơn một nửa là những họa sĩ, điêu khắc nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước tới nay. Ngay chính ông cũng đóng góp một tác phẩm sơn mài “Cửa thiền” khổ lớn (100 x 100cm)?

Họa sĩ (HS) Thành Chương: Tôi cho rằng đây là một sự kiện mang tính chất xã hội đẹp, giới mỹ thuật bày tỏ sự quan tâm tích cực đến câu chuyện trong bối cảnh này. Đúng là chưa có cuộc vận động đông đảo nào mà chất lượng được như thế. Một cuộc đấu giá tranh thiện nguyện, có năm họa sĩ tiêu biểu tham gia là nhiều lắm rồi. Đây là hơn 50 người, cả nước rải khắp từ bắc – trung – nam, Việt kiều. Mà hầu hết là những họa sĩ có tên tuổi, định danh hẳn hoi rồi nhé. Cả những thế hệ trẻ đang làm việc tích cực nữa. Chúng tôi bày tỏ thái độ như thế, nhưng còn việc xã hội đón nhận thế nào, ứng xử thế nào là một câu hỏi lớn nữa đấy.

Họa sĩ Thành Chương và tác phẩm ông ủng hộ dự án phục dựng nhà Lang Mường

PV: Xin ông nói cụ thể hơn “chuyện trong bối cảnh này” nghĩa là thế nào?

HS Thành Chương: Bối cảnh là công cuộc bảo tồn và phát triển di sản  đang bị ngầm buông bỏ. Các cơ quan quản lý văn hóa, mà đứng đầu là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gần như không hề có chiến lược, sách lược, hay chính sách hữu hiệu cho công cuộc này. Mà nếu có thì cũng chỉ là hô hào trên giấy tờ, không được thực hiện. Ở bên ngoài, người ta gọi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Bộ “cờ, đèn, kèn trống”. Anh cứ ghi nguyên bản như thế, tôi xin chịu trách nhiệm về phát biểu của mình. Họ chỉ suốt ngày đi lo tổ chức lễ hội, hội diễn, và thống kê thành tích bằng lễ hội, hội diễn. Mà cuối ngày thì “trời tối, hội tàn”, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng năm này qua năm khác đổ xuống sông xuống biển. Trong bối cảnh ấy, những cá nhân hiếm hoi, thật sự say mê, lầm lũi đi làm công tác bảo tồn văn hóa các tộc người, bảo tồn di sản ấy là cực kỳ hiếm hoi, vô cùng đáng quý. Cứ xem trường hợp của anh Hiếu mà xem, anh ta say mê bảo tồn văn hóa Mường đến mức ai cũng tưởng anh ta là người Mường, say mê văn hóa di sản của người Mường đến mức thành tên của anh ta: Hiếu Mường.

Qua vụ nhà Lang bị đốt cháy, về phía chính quyền tỉnh Hòa Bình, có thể nói động thái giải quyết câu chuyện là “zero”. Những thủ phạm đốt cháy nhà Lang, ngay từ đầu đã được dư luận xã hội nêu rõ tên tuổi trên báo Hòa Bình. Vậy mà chính quyền giải quyết ra sao: Bằng không. Rõ ràng là chính quyền tỉnh Hòa Bình coi vụ này là của… cá nhân ông Hiếu, chính quyền vô can. Trong bối cảnh ấy, anh em họa sĩ chúng tôi bày tỏ một sự thống nhất quan điểm: Chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc chung tay mạnh mẽ vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình.  Đây là ý thức, thái độ bày tỏ lòng yêu văn hóa, và cả thái độ trước sự vô tâm đối với văn hóa. Trong khi sự tử tế với di sản quá ít ỏi, hiếm hoi thời buổi này, thì sự kiện này  sẽ khơi gợi sự trắc ẩn, thức dậy ý thức tự hào gìn giữ văn hóa dân tộc, và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực lâu dài.

Một khu làng văn hóa Việt Nam, đổ hàng nghìn tỷ đồng vào đó mà vẫn hoang vu chẳng ai đến, một năm hội diễn dăm ba lần, đưa các đoàn văn nghệ địa phương đến hát múa, chỉ có bảo vệ, người trông coi và người tổ chức xem là chính. Đến dân chung quanh họ cũng chẳng buồn xem… Trong bối cảnh rộng hơn là một số bảo tàng tư nhân, trong đó có Việt phủ của tôi, cũng không thể “ôm” hết văn hóa của 54 dân tộc, thì đã có các cá nhân say mê bảo tồn văn hóa dân tộc của từng vùng. Ở Hòa Bình có anh Hiếu Mường, ở Lai Châu có chị Đỗ Thị Tấc bảo tồn văn hóa Thái trắng Tây Bắc. Ở trong Quảng Nam còn có anh Nguyễn Thượng Hỷ với công tác bảo tồn văn hóa Chăm và bảo tồn kiến trúc gỗ cổ vùng Ngũ Quảng (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi). Đó là những cá nhân cần được động viên, khuyến khích. Và hóa ra trong xã hội vẫn còn nhiều người tâm huyết, xả thân không biết mệt mỏi, cần được xã hội động viên, khuyến khích.

PV: Xin cảm ơn sự thẳng thắn của ông!

Theo Vũ Lâm – Thời nay

Tag :