Nghệ thuật múa của người Mường

Trong các loại hình nghệ thật dân gian truyền thống, hoạt động diễn xướng của người Mường trong các nghi lễ, lễ hội và đời thường luôn kèm theo các điệu múa, trong đó có nhiều loại hình múa dân gian sinh động. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, nhiều giá trị múa truyền thống của người Mường đã bị mai một. 
 
Trước hết phải kể đến các hình thức nghệ thuật của tín ngưỡng làm mỡi. Trong nghi lễ này, nhạc và múa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người làm mỡi phải nhập vào mỗi vai diễn phù hợp với tính cách, phải thể hiện được điệu bộ, dáng đi, giọng nói và các động tác của nhân vật mà mình nhập vào. Vì vậy, khi thăng hoa, nhập hồn, họ thực sự như một nghệ nhân điêu luyện. Từ những điệu múa trong nghi lễ ấy mà người dân cũng như các nghệ nhân dân gian đưa vào những điệu múa khác trong nghi lễ và sinh hoạt của mình. Tương tự như vậy là việc thực hành nghi lễ của các ông mo ở các đám tang, đám cúng. Những động tác vũ điệu mà các ông mo làm khi cúng như múa kiếm, đuổi trừ ma, dẫn, đưa, vỗ về hồn người chết đều là những hành động diễn xướng phong phú, sau đó được khai thác trong đời sống văn hoá nghệ thuật của người Mường.
 
 
Múa trống đồng là một hình thức biểu diễn đánh trống đồng được cách điệu như là điệu múa. “Đánh” trống ở đây thực chất là dùng dùi trống để tạo ra những âm vang trầm bổng của trống đồng. Lối biểu diễn này cũng thấy ở người Mường Phú Thọ trong các trò diễn diễn chàm thau (đâm trống đồng) và đâm đuống. Điệu múa này có nhiều người tham gia và có sự kết hợp nhịp điệu để tạo ra một âm thanh trầm bổng mà hùng tráng của trống đồng. Người Mường Hoà Bình cũng có múa đâm đuống, còn người Thái Mai Châu thì gọi là múa keng loóng. Điệu múa này động tác đơn giản nhưng ngoài việc đâm vào đuống, những người múa còn nhảy múa xung quanh trước khi giã vào đuống như mô phỏng những động tác giã gạo ngày thường.

 
 
Múa cờ là một hình thức múa tế lễ, thường chỉ diễn ra ở nhà lang. Tham gia múa cờ là những người nhận ruộng của nhà lang, khi nhà lang có người chết phải đến phục dịch tang lễ. Số lượng người múa khá đông, tuỳ theo số người phụ thuộc vào nhà lang. Do đó, nhìn số lượng người múa, người ta cũng có thể đoán biết được sự giàu có của nhà lang ấy thế nào. Theo hiệu lệnh của những người hướng dẫn, theo nhịp chiêng, trống, những người múa thực hiện các động tác khác nhau như nhấc cờ, bật cờ xuống, quấn cờ, dựng cờ lên, vác cờ lên vài, quay mặt bên phải, chạy vòng, đứng nghiêm, thả cờ, cắm cờ trước mặt…. Những động tác ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, người múa mặc trang phục quần áo kiểu lính màu đỏ. Địa điểm múa là khu vực quanh chỗ nhà để xe ngoài cánh đồng. Điệu múa này đòi hỏi sự đồng điệu và nghiêm túc, không được nhốn nháo, lộn xộn.
 
Múa quạt ma là một hình thức múa tín ngưỡng khác của người Mường. Múa này còn gọi là tế quạt ma, được tiến hành khi nhà có tang, từ khi xảy ra đám tang cho đến lúc đưa người chết về nơi yên nghỉ. Tham gia múa quạt mà là tất cả các con dâu trong gia đình người chết. Họ được sắp sếp theo thứ bậc từ dâu cả đến các cô dâu ở bậc thấp nhất, đứng xung quanh quan tài người chết. Động tác múa đơn giản, người múa quay mặt về phía thầy mo, một tay cầm quạt che trước ngực, một tay cầm gậy chống xuống đất múa theo nhịp chiêng của thầy mo và động tác từ người dâu cả đến người dâu cuối cùng theo thứ tự đuổi nhau bằng động tác múa hình sóng lượn. Mục đích của múa này nhằm tỏ lòng thương tiếc và yêu quý người đã chết, dâu hiền quạt mát cho linh hồn người chết thanh thản ở cõi bên kia. Ngoài ra, người Mường còn có một số loại hình múa như múa mặt nạ, múa mặt mẻ, đập nàng khót… Đa số các điệu múa là dạng diễn xướng nghi lễ phong tục và có tính chất trò diễn ở các ngày hội Mường.

Tag :