Một người như nhiều huyền thoại

“Sợ cuộc đời mờ đi trong trướng gấm phồn hoa!”

Cô giáo Đinh Lâm Oanh dạy môn lịch sử bậc phổ thông ở thành phố tỉnh lỵ Hòa Bình. Cô nổi tiếng là người phụ nữ có vẻ đẹp quyền quý “con nhà lang”, từng đoạt giải giáo viên thanh lịch, duyên dáng, dạy giỏi của tỉnh. Nếu được hỏi, cô thần tượng ai nhất, chắc chắn cô sẽ trả lời: “Cha tôi, cụ Đinh Công Đốc”. Ông Đốc say mê xứ Mường và Tây Bắc đến mức, năm Đinh Lâm Oanh 17 tuổi, ông đã đưa con gái đi bộ 2 tháng ròng, đến hầu khắp những bản làng ở Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá, những nơi ông đã có nhiều “võ công văn trị”, và trở thành người ruột thịt của bà con các dân tộc chốn non cao.

Ông Đốc được cha là quan Phó lang Đinh Công Phủ cho học dưới trường Bưởi, Hà Nội từ nhỏ. Sinh ra ở cái thời “Ba mươi bốn lăm” (1930-1945) huyền thoại, ông Đốc đã sớm mang cái tráng chí đượm màu anh hùng ca “thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời”. Ông đã gương cao ngọn cờ kháng Việt gian, kháng Pháp. Thống lĩnh binh mã khắp cả chiến khu rộng lớn dọc sông Đà, đánh Pháp, từng cùng cán bộ Việt Minh đi giải giáp vũ khí quân đội Nhật khắp nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình, lên mãi Sơn La, sang Thanh Hóa, tiến đến tận vùng giáp biên giới Việt Lào. Chiến công của ông Đốc được người Hòa Bình kể mãi như một huyền thoại. Nhiều “chiến binh” người Nhật đã quy phục tài năng, đức độ của Đinh Công Đốc đã dẫn “hàng binh” lại, cắt máu ăn thề nguyện suốt đời làm anh em kết nghĩa với ông. Có viên sỹ quan người Nhật tên thường gọi là I Si, còn cải thành họ Đinh của người Mường, lấy tên Đinh Công Minh, nguyện làm người em “cắt máu ăn thề” của Đinh Công Đốc. Ông I Si chính là người đã cưỡi ngựa trắng, xông lên, dầm nát thân mình trong cơn bão đạn để cứu sống người anh Đinh Công Đốc trong một trận tử chiến bên bờ sông Đà. Chuyện đó, gia đình, bà con, các lão thành cách mạng như ông Sa Văn Sinh, ông Hoàng Lâm, Hoàng Ba… hiện đang còn sống đều biết rất rõ.

… Tôi lần giở từng trang “hồi ký”, tư liệu, những tấm ảnh cũ nát do ông Đinh Công Đốc để lại mà lòng không thôi thổn thức về một nhân cách người Mường khả kính. Trong cuốn sổ công tác sờn cũ, mà suốt đời chiến chinh, công tác, ông Đốc luôn mang theo bên mình, ở ngay trang trang đầu là tấm ảnh Hồ Chí Minh được cắt từ tờ công báo và lời đề viết tay nắn nót của ông: “Hồ Chí Minh sống mãi”; lật trang thứ hai là tấm ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ với dòng chữ nắn nót y như thế: “Võ Đại tướng muôn năm”.

Sinh năm 1925, là con một quan lang nổi tiếng cai trị vùng đất rộng lớn và màu mỡ (khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện nay), Đinh Công Đốc là một cậu ấm sống trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen. Cha Đinh Công Đốc là Đinh Công Phủ, cực chẳng đã làm Phó Lang, dưới quyền giặc Pháp và bè lũ tay sai. Được sự giác ngộ của đồng chí Phan Lang, đặc phái viên Tổng Bộ Việt Minh, ông Phủ đã dùng uy tín quan lang của mình, vận động đồng bào Mường ủng hộ kháng chiến. Sau Tổng khởi nghĩa, ông Phủ được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính (nay là UBND) tỉnh Hòa Bình (từ tháng 9/1945 đến tháng 6/1946), đã từng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Thư Bác Hồ viết vào ngày 1/7/1947, gửi ông Đinh Công Phủ, với lời khen ngợi khẩu hiệu oanh liệt “Họ Đinh thề không đội trời chung với giặc Pháp”. Bác còn gửi biếu Đinh Công Phủ cả chiếc áo trấn thủ được may bằng một lá cờ thần (với ngụ ý: ai mặc chiếc áo đó thì được coi như một vị thần) do bà con vùng Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ) kỳ công may để tặng Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi thư khen ông Đinh Công Phủ và thân sỹ ở Mai Đà vào 6/6/1947.

Đinh Công Đốc là con trai cả của Đinh Công Phủ, từ nhỏ, được cha cho học hành tử tế ở trường Tây dưới Hà Nội. Tận mắt thấy sự bóc lột, sự sa đoạ của thực dân Pháp và tay sai, chàng thanh niên Đinh Công Đốc đã sớm coi việc chúng mời mình ra làm quan khi mới 17 tuổi là một việc “đầu độc bằng bả vinh hoa”, chàng đã khước từ điều đó vì “sợ cuộc đời sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa” (lời lẽ trong hồi ký Đinh Công Đốc). Năm 18 tuổi, cậu Đốc đã bàn với cha cho mình đi học nghề rồi xin giấy phép của giặc Pháp để mở mỏ khai khoáng tại huyện Mộc Châu và huyện Phù Yên, của tỉnh Sơn La; nhưng thật ra là cậu chỉ coi nghề mỏ như một thứ ngụy trang cho hành động đi tập trung binh lực đánh Pháp. Hai năm sau, ông Đốc đã lập được đội võ trang có hàng trăm tay súng dọc chiến khu Sông Đà.

Tác phẩm “Địa chí tỉnh Hoà Bình” (NXB Chính trị Quốc gia, năm 2005) và tài liệu sưu tầm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hoà Bình đều cho biết: Ông Đốc đã từng giữ các vị trí quan trọng: Đội trưởng chiến khu Mường Diềm, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Hòa Bình, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 97, trung đoàn 148; tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập 930, Phó giám đốc Trường quân chính Tây Bắc… Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất.

Được giác ngộ, Quan Phó lang Đinh Công Phủ đã ủng hộ cách mạng nhiều súng ống và tổ chức quân lính của mình thành một trung đội tự vệ chiến đấu do con trai mình là Đinh Công Đốc trực tiếp chỉ huy. Mường Diềm sớm thành lập được Uỷ ban Giải phóng lâm thời. Sau khi giành chính quyền ở Châu Mai Đà, lực l¬ượng vũ trang của khu căn cứ Diềm đã quả cảm tiến lên giải phóng Suối Rút, Mai Châu, Mộc Châu…

Sau khi chính quyền cách mạng đ¬ược thành lập, bọn phản động của “Đại Việt duy dân” âm m¬ưu lật đổ chính quyền còn non trẻ. Năm 1946, bọn chúng hoạt động mạnh ở vùng Mư¬ờng Diềm. Biết đ¬ược âm mư¬u của chúng, lực lượng vũ trang của ta ở Hoà Bình, kết hợp với đội quân của Đinh Công Đốc làm nội ứng đã tấn công vào sào huyệt, tiêu diệt đại bộ phận đầu sỏ và lực l¬ượng vũ trang của “Đại Việt duy dân” ở Suối Rút. Trong trận đánh này tên Đảng trư¬ởng Lý Đông A đã bị chính dũng tướng Đinh Công Đốc bắn chết.

Giải cứu 20 mỹ nữ bị “cướp” làm tỳ thiếp nhà lang!

Lệnh Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền vĩ đại năm 1945 của Lịch sử Việt Nam đến, việc dẫn đoàn hùng bi giải phóng quê hương, trong ký ức của ông Đốc, thật sinh động: “Được nhân dân tố giác, rằng bọn đầu sỏ giàu có ở Suối Rút có một kho hàng hóa một kho thuốc phiện… Tôi cho kiểm tra và cho niêm phong. Hàng hóa vải vóc, thuốc men một nhà, một kho thuốc phiện đã phân và cô đặc để xuất biên đựng trong 90 cái thùng, mỗi thùng nặng 20kg, tổng số 1.800kg thuốc phiện đã thành khí. Nghe kể lại thì họ đã chuyển đi rất nhiều”. (Các đoạn in nghiêng trong bài đều trích từ bản thảo hồi ký Đinh Công Đốc)

Cảnh cánh quân của Đinh Công Đốc được tin cầu cứu của bà con huyện Mai Châu, họ oai dũng từ ổ phục kích, xông ra như Lục Vân Tiên, bắt “đám giặc cỏ” run lẩy bẩy quy hàng thật nghĩa hiệp, thật đáng ngỡ ngàng:
“Chiều hôm 24/8/1945,… chợt nhân dân có thư ra cầu cứu quân giải phóng vào Mai Châu. Sau khi bàn bạc, nhận định cần phải vào, tên phản động Hà Công Thắng bị giặc Pháp mua chuộc, cát cứ ở vùng thượng du sông Mã, tịch thu trâu bò, ngựa nghẽo, của cải, bắt cả các cô gái từ Hoà Bình về phía Thanh Hoá làm tỳ thiếp. Chúng tôi phải đi bộ vào Mai Châu, hồi ấy đường số QL 6 bị hỏng xe không thể đi được. Vào đến Phố Vãng đã 9 giờ đêm. Nhân dân Mai Châu, các kỳ hào, kỳ mục, chánh tổng, lý trưởng trong các xã đã có mặt đông đảo. Bởi họ đang chờ “viện binh” để thoát khỏi vòng đe dọa của tên Hà Công Thắng”.


Đến Vạn Mai trời vừa tảng sáng, đoàn binh của Đinh Công Đốc bố trí phục kích chờ “giặc” từ phía Co Me xuống. Độ 8h sáng thì thấy một đoàn gồng gánh, ngựa thồ, đồ đạc, trâu bò và cả một số phụ nữ hơn 20 người, cô nào cô ấy xinh đẹp (vì đã qua tuyển chọn của bọn chúng), các cô đều ở độ tuổi 18 – 20. Bọn phản động ức hiếp dân lành nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của đoàn quân do Đinh Công đốc chỉ huy mà ngơ ngác. Chúng có một tiểu đội 12 người với vài khẩu súng trường đi áp tải. Tên đội trưởng đến trước mặt Đinh Công Đốc, run lẩy bẩy, nói:

“Tôi bị ông Hà Công Thắng sai áp tải những của cải, đồ vật, các cô gái này về. Chứ Việt Minh hay là cái gì mà ông đang nói, thật lòng, tôi không hiểu gì cả”. Hỏi ra, thì tên cáo già Hà Công Thắng đã đi theo đường sông Lồ về Hồi Xuân hôm qua rồi. Bao nhiêu của nả, các cô gái xinh đẹp đều được các chiến binh đem trả lại cho nhân dân, nhà ai người nấy về.

Cảnh ông Đốc cùng đoàn quân lên giải phóng Mộc Châu, dùng ba tấc lưỡi và cả uy vũ nức tiếng của mình để cứu người bạn của cha mình, quan Tri châu theo cách mạng Sa Văn Minh khỏi cái thế uy hiếp ngàn cân treo sợi tóc thì mới càng hiểu, ông Đốc đã đọc rất kỹ Binh pháp Tôn Tử (như ông đã tiết lộ trong hồi ký) trước khi xung trận:
“Sáng hôm sau, chúng tôi đi vào Xuân Nha, đất Mộc Châu. Trong lúc cùng nhân dân ăn cơm đoàn kết thì thấy hai người cưỡi ngựa tới. Đó là người tâm phúc của bác Sa Văn Minh. Họ đưa thư khẩn cấp: tên phản động Lường Văn Phúc, sai hai đứa con trai đem quân đủ võ khí lên bao vây, định sát hại bác Sa Văn Minh và cướp châu lỵ Mộc Châu từ tay quân cách mạng. Cảnh tình như vậy, nếu đi bằng chân cắt ngang các cánh rừng rậm, thì ít nhất phải tối hôm sau mới tới được Mộc Châu, “nước xa không cứu được lửa gần”. Thế nên, tôi nói với ông phìa (sắc dịch ở địa phương) Xuân Nha là: phải khẩn cấp cho tập trung toàn bộ số ngựa có trong xã lại để chúng tôi mượn, thần tốc phi thẳng lên Mộc Châu (tỉnh Sơn La), may ra mới kịp. Với 45 con ngựa thuần, đóng yên cương, chúng tôi đã nhanh chóng biến thành một đội kỵ binh, chẳng kém gì đội kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông năm xưa. Bác Sa Văn Minh ra tận nơi đón, như đón các vị cứu tinh. Bọn “phiến loạn” nghe nói Đinh Công Đốc đến đã ngoan ngoãn quy hàng”.


Quả là, những gì đã được nghe, đã đọc và đã viết về nhiều vị quan lang, dòng dõi quan lang xứ Mường đã khiến người viết loạt bài này cảm thấy hơi bất ngờ. Đâu đó, ở các thời điểm nào đó, chúng ta vẫn ít nhiều mặc cảm, dằn hắt với những ám ảnh về sự tàn ác, độc địa của “nhà lang” trong thời buổi nhiễu nhương ngày cũ. Có lẽ vì thế và vì một vài lý do nữa, mà những câu chuyện kể trên vẫn còn quá ít người biết đến chăng? Nếu đúng như vậy, thì dường như chúng ta đã có lỗi với lịch sử, với những nhân cách Mường sáng trong, vạm vỡ, tài hoa như Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Đốc, đặc biệt là với chiến binh I Si quả cảm đã vùi thây trong hàng tỷ mét khống nước của lòng hồ Thủy điện Hoà Bình…