Những bất ngờ trên đường tiễu giặc

Được “cáo già” người Pháp tặng súng nạm vàng

Năm 17 tuổi (1942) vào ngày 28 Tết, cha Đinh Công Đốc bị ốm, mới bảo cậu đem cho tên tuần phủ Dương Quý Biên đồ “lễ tết quan trên” là hai con gà lôi thiến màu trắng mỗi con gần ba cân, một sọt chè khô.


“Chúng tôi xếp các thứ lễ vật vào khay, ông Chung bưng khay, tôi xách hai con gà. Ông Quản Điền đi trước vào công đường. Tên Dương Quý Biên đã chễm chệ ở bàn giấy. Tôi bỏ sọt gà ở cạnh cửa. Ông Chung đặt khay lên bàn lễ. Quản cơ bắt đầu báo cáo: Bẩm cụ lớn, thầy Lang Quy Đức ốm không xuống hầu cụ lớn được, thầy lang nhờ ông hương sư đây là Đỗ Quốc Chung và con giai là cậu Đốc đây thay mặt, đem chút lễ mọn đến chúc tết cụ lớn. Lúc đó, thầy Đỗ Quốc Chung mới lên tiếng: Bẩm cụ lớn, quả tình thầy lang con ốm thật nên cho con và cậu Đốc xuống hầu cụ lớn, và đây là bức thư của thầy Lang con đệ hầu cụ lớn ạ.

Tên tuần phủ họ Dương cầm phong thư ném xuống đất, hắn quát: “Cút. Ta cần thấy mặt bố mày, chứ ta thiếu gì gà rượu”.


Bị tên tuần phủ chửi mắng hách dịch ra oai, tức sôi lên, lập tức ông ôm ngay hai con gà và đồ lễ về thẳng, nhờ nhà hàng dọc đường mổ gà luộc lên đãi bạn bè. Con gà còn lại dọc đường ông cho nốt anh làm bếp đem về làm thịt, mặc cho đoàn tùy tùng “đi đút lót” hết sức sợ hãi. Về nhà, kể lại chuyện cho bố mình nghe, ông Đinh Công Phủ im lặng, chỉ “Ừ” một tiếng đầy chán nản. Sự phản kháng với giặc Pháp và tay sai trong cha con nhà quan lang Đinh Công Phủ đã lên đến tột đỉnh.

Có lẽ vì thế mà khát vọng tung hoành đi khắp thiên hạ để hiểu nhiều điều, có tầm nhìn rộng lớn của Đinh Công Đốc đã rất được ông Phủ ủng hộ. Theo học trường Bưởi, năm 18 tuổi, cậu Đốc bàn với cha cho mình đi học nghề rồi xin giấy phép của giặc Pháp để mở mỏ khai khoáng tại huyện Mộc Châu và huyện Phù Yên, của tỉnh Sơn La; nhưng thật ra là cậu chỉ coi nghề mỏ như một thứ ngụy trang cho hành động đi khắp cõi trung binh lực đánh Pháp. Nghe con trai trình bày, mắt ông Phủ sáng lên.

Âm thầm nấu chí, hai năm sau, từ bỏ đặc quyền nhung lụa của là con nhà lang, ông Đốc đã lập được đội võ trang có 300 tay súng dọc chiến khu Sông Đà. Giặc Pháp và tay sai giật mình bật dậy khỏi bổng lộc bẩn thỉu và những bàn đèn thuốc phiện mê lú, thì chúng đã không còn kiểm soát được đội binh hùng tướng mạnh của Đinh Công Đốc nữa. Không chỉ vận động được bà con các dân tộc cầm vũ khí kháng Pháp thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng sâu núi thẳm, làm kẻ thù thất điên bát đảo nhiều phen, oai dũng và nghĩa khí của Đinh Công Đốc còn cảm hóa được cả những tên ngoại quốc gian xảo nhất vùng Hòa Bình bấy giờ, khiến hắn mang cả khẩu súng nạm vàng bạc, vật kỷ niệm của vợ chồng hắn ra tặng “dũng tướng” bách chiến bách thắng Đinh Công Đốc. Về câu chuyện huyền thoại được nhiều người biết đến này, ông Đốc kể lại trong hồi ký như sau (xin nhấn mạnh, đây là một tư liệu lịch sử quý, như những thước phim tư liệu vô giá):

“Tên người Pháp này lấy vợ người Việt, lấy cô Hát, có con cái hẳn hoi. Hắn ta có nhiều đồn điền trồng trọt và chăn nuôi ở dìa sông Đà. Hắn rất cáo, không tên quan Chánh tổng, lý trưởng xuôi hay ngược ở hai mạn sông Đà là hắn ta không quen thân. Nên khi bọn Nhật đảo chính hắn ta ở lại Tu Vũ, tuy ở đó cũng có bọn Đại – Việt, nhưng không làm gì được hắn ta là vì hắn ta đã tung tiền mua chuộc được. Chính quyền do bọn Nhật dựng lên ở đây cũng làm ngơ cho hắn ta, do bọn địa phương che chở. Nhưng khi thấy phong trào Việt Minh lớn mạnh, (…) hắn nói với cơ sở của ta là xin ủng hộ chiến khu một tấn ngô…. Hắn xảo quyệt đến nỗi là hắn dám đưa khẩu súng săn hai nòng Mai Sanh Ê chiên, súng có khắc chạm vàng tây và vàng mười ta, là khẩu súng kỷ niệm của vợ chồng hắn ra… tặng cho tôi. Đó là một điều đáng ghi nhớ”.

“Không tham gia cách mạng được với cậu, tôi tự thấy là điều hổ thẹn”

Mấy trăm tay súng do Đinh Công Đốc chỉ huy đã hùng cứ một phương lồng lộng, đến khi Nhật hất cẳng Pháp, cùng với việc thực thi chính sách nhổ lúa trồng đay tàn độc của mình, chúng đặc biệt lưu ý tập trung binh lực tấn công vào chiến khu sông Đà. Biết vậy, ông Đốc và các nghĩa binh đã dùng cả truyền đơn, vận động nhân dân chống giặc, thoắt ẩn thoắt hiện làm giặc cực kỳ hoang mang. Đặc biệt, ông có những đêm thức trắng tâm sự với giới trí thức người vùng xuôi, vùng Mường đang hợp tác với Nhật, Pháp “cai trị” người Việt Nam nhằm thuyết phục họ theo Cách Mạng. Ngay cả nhiều cuộc “giác ngộ” chưa thành công, cũng được ông Đốc kể lại với sự chia sẻ đến rơi nước mắt:

“… Chúng tôi biết bọn Nhật điều quân lên Chợ Bờ và Suối Rút chuẩn bị tấn công vào chiến khu. Ngoài việc chúng tôi vận động nhân dân ở sát bờ sông Đà, các ngả đường chúng có thể tiến quân được, là chúng tôi cho nhân dân sơ tán vào thung lũng, tăng cường canh phòng. Còn tôi đi đường tắt đền Chợ Bờ cho dán áp phích và tung truyền đơn vào thị trấn Chợ Bờ, cũng như Suối Rút… Truyền đơn mục đích là kiêu gọi nhân dân ta và số kiều dân người Tàu ở thị trấn, chống lại Nhật và bọn bán nước Hán gian, vạch mặt giả nhân giả nghĩa Đại Nam Á của bọn quân phiệt Nhật. Tuy chẳng có chuyên môn về vấn đề ngày, tôi và Chẩm (một người đồng chí của ông Đốc – Đ.D.H) đưa vào trong truyền đơn những các câu trong báo Cờ Đỏ, có in bản đồ những vùng Việt Bắc ta đã giải phóng cho Đinh Công Quyền và anh Lục Giảng (Nguyễn Văn Giảng) đang làm lục sự ở Mai Đà xem. Lúc xem, họ không hoan nghênh cũng không phản ứng, chỉ nói: “Ừ, biết vậy, nhưng ta khác họ, ta lẻ loi, còn yếu, hãy làm dần dần”. Riêng anh lục Giảng tôi nói rõ tình hình và mời anh tham gia, anh đã tâm sự chân thật: “Cậu Đốc ạ, tôi đã có tuổi, người yếu, không đi được như các cậu là tôi không khi nào phản bội và tôi luôn tin tưởng vào cậu, và ông cụ trên nhà cũng như mặt trận (Việt Minh). Riêng anh Chẩm có thể cùng đi với cậu được thì đi, tôi sẽ ở lại làm phần việc của cậu Chẩm ở châu. Tuần hay nửa tháng phải về, không bọn quan trên lại nghi ngờ, còn quan phủ đây là chỗ người nhà, quan có nói với tôi: cháu tôi đấy (ý nói Đinh Công Đốc – Đ.D.H), các cháu nó làm theo Việt Minh, mình không đi được, kệ các cháu nó, là thời buổi ông Giảng nhỉ. Lòng ông cũng như tâm sự của tôi thôi”. Anh Lục Giảng, một con người tiểu trí thức, sinh vào thời mà đất nước bị giặc Pháp đô hộ, phải đi làm công cho kẻ xâm lược, gọi là ông Phán ông Lục ở công đường làm trợ lý cho quan phụ mẫu một tỉnh hay một huyện. Cuộc sống hằng ngày hai bữa, hai buổi trong ngày, mặc áo the ngồi bàn giấy cọc cạch, chắt chiu tiền mỗi tháng gửi về quê nuôi vợ con!”.
Sự chân thành của người thống lĩnh các tráng binh tiễu giặc dòng sông Đà dường như đã sâu thẳm đến đáy, ông Đốc thương cái anh Giảng sức yếu, tính nhát không dám theo Cách Mạng ấy lắm lắm. Dường như ông đã khóc khi nói thay anh Giảng những tâm sự như thế này:

“Chắc đôi lúc anh cũng thấy lòng se lại. Cho nên khi tôi đem lời của Đảng, của Bác Hồ lên kêu gọi, không phải anh không hiểu. Anh đã là thông ký phán mà. Anh là người nho nhã, ẻo lả như con gái, nói đến đánh đập, đấm đá, anh bỏ ngoài tai. Cho nên, những gì anh nói với tôi là lời nói thật của một con người thật thà. Đến lúc tôi xuống cung đường, hỏi anh những tập công báo, trong một tập có bản án của chính phủ Pháp ở Đông Dương xử án tử hình vắng mặt ông Nguyễn Ái Quốc. Có cả bức chân dung Người lúc 17 tuổi, con người thanh tú… Tôi cầm, ngắm nghía và đọc (…); anh Giảng ở cạnh tôi, anh cứ tấm tắc, “tôi kính phục những người dũng cảm như ông Nguyễn (Nguyễn Ai Quốc – Đ.D.H), 17 tuổi mà đã làm những việc tày trời”. Rồi ông Giảng xúc động: “Tôi ốm yếu, có bệnh, không tham gia cách mạng với cậu được, đúng là một điều rất hổ thẹn”. Đến khi giải phóng xong vùng Sơn La, về công tác ở tỉnh, tôi sực nhớ ra lời hẹn với anh Giảng, tôi trở về hỏi thăm, thì hay tin anh Giảng đã xin thôi việc bỏ về xuôi rồi. Ôi, những con người Việt Nam như anh Giảng hắn là cũng chẳng hiếm, nhưng thực thà rất mực thì cũng không phải là có nhiều lắm!”.

Lệnh Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền vĩ đại năm 1945 của Lịch sử Việt Nam đã đến với ông Đinh Công Đốc bằng cách rất thú vị. Con đường ông và đồng đội tiến quân dọc Tây Bắc giải phóng đồng bào mình, cũng thật cụ thể và sinh động:
“Ngày 21/8/1945, tôi nhận được lệnh của anh Phan Lang bằng một tờ giấy trắng cuộn nhỏ đi từ đường Tu Lý lên. Là lệnh tổng khởi nghĩa đột ngột, ở Hà Nội đã giành chính quyền từ hôm kia, là 19/8 rồi. “Hôm ấy, bộ đội ta có anh Hậu bị thương ở đùi, bắt gọn 3 tên, bắn chết 2 tên, còn 2 tên chạy thoát”. “Được nhân dân tố giác, rằng bọn đầu sỏ giàu có ở Suối Rút đã hùn vốn với bọn Hán gian này, có một kho hàng hóa một kho thuốc phiện… Tôi cho kiểm tra ngay và cho niêm phong. Hàng hóa vải vóc, thuốc men một nhà, một kho thuốc phiện đã phân và cô đặc để xuất biên đựng trong 90 cái thùng, mỗi thùng nặng 20kg, tổng số 1800kg thuốc phiện đã thành khí. Nghe kể lại thì họ đã chuyển đi rất nhiều”.

Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đối với ông Đinh Công Đốc là từ hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ông tìm đọc những tập công báo. Từ rất sớm, ông đã cắt lấy tấm hình cụ Hồ đăng trên báo và luôn mang theo bên mình. Trong những chặng đường làm cách mạng, ông đã vinh dự được gặp Bác tại Hà Nội và được Bác căn dặn nhiều. Ông cảm nhận về lãnh tụ: cụ Nguyễn Ái Quốc là một nhà nho nghèo, đúng như tờ công báo đã viết, người là một con người Việt Nam rất hiếm, mỗi thời chỉ có một người.