Những tráng sỹ “tả xung hữu đột” cứu dân lành

Cảnh bà con huyện Mai Châu tìm đến cánh quân của Đinh Công Đốc cầu cứu trước sự hà hiếp của bọn phản động rất cảm động, rất lạ. Hiếm khi chúng ta được (phải) “tận mục” qua hồi ức của một quan lang, một chiến binh diệt giặc cái cảnh tượng: họ oai dũng từ ổ phục kích, xông ra như Lục Vân Tiên, bắt “đám giặc cỏ” run lẩy bẩy quy hàng, bắt phải trả cho dân lành cả đoàn trâu bò lợn gà, của nả, cùng mấy chục mỹ nữ 18 – 20 tuổi đã qua tuyển chọn bị cưỡng bắt về làm tỳ thiếp, làm “chăn đệm” cho “quang lang phản động”… Từng cô gái trẻ được trở lại nhà với cha mẹ mình!

Cứu 20 mỹ nữ đang bị “cướp” về làm tỳ thiếp nhà lang!

“Chiều hôm 24/8/1945,… chợt nhân dân có thư ra cầu cứu quân giải phóng vào Mai Châu (nay là một huyện của Hòa Bình – Đ.D.H) để dẹp bọn cướp ở Điền L., Thanh Hóa. Sau khi bàn bạc, nhận định cần phải vào, vì rằng Thanh Hóa, cao trào Việt Minh cũng hơi yếu, mà tên Hà Công Thắng kia là con của Hà Chiều Nguyệt, “cứu tướng” của Cần Vương, sau bị giặc Pháp mua chuộc, được đặc quyền cát cứ ở vùng thượng du sông Mã, hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Hắn dựa vào uy thế rất hống hách với nhân dân. Nghe đâu hắn còn giả danh Việt Minh lên các vùng thượng lưu sông Mã, sông Lồ, Mường Lý, Mường Lát, tịch thu trâu bò, ngựa nghẽo, của cải, bắt cả các cô gái về Điền L. Hắn hẹn vào Mai Châu, nhân dân Mai Châu nhốn nháo sơ tán của cải đi giấu. Họ cho người ra đón chúng tôi. Vì qua sự kiện ở Suối Rút, Chợ Bờ, họ đã hiểu quân cách mạng chúng tôi… Chúng tôi phải đi bộ vào Mai Châu, hồi ấy đường số 6 bị hỏng xe không thể đi được. Ngay chiều hôm ấy chúng tôi lên đường, vào đến Phố Vãng (Mai Châu) đã 9 giờ đêm.

Nhân dân Mai Châu, các kỳ hào, kỳ mục, chánh tổng, lý trưởng trong các xã, các tù trưởng thế phiệt họ Hà Công, kể cả Hà Công Nhất, Bang tá Suối Rút, người Mường Hịch cũng có mặt đông đảo, đuốc đèn đứng chờ chúng tôi. Dân Mai Châu đang chờ chúng tôi là cứu tinh của họ, vì họ đang ở trong vòng đe dọa của tên Hà Công Thắng. Hôm ấy, trong đêm tối mịt, những ánh đuốc đã làm sáng cả một khúc dài rộng dọc thung lũng Mai Châu. Tiếng hoan hô cách mạng đập vào những vách đá xung quanh dội lại, những âm thanh nghe hoành tráng vô cùng…

Đến Vạn Mai trời vừa tảng sáng. Đoàn binh của Đinh Công Đốc bố trí phục kích chờ “giặc” từ phía Co Me xuống. Độ 8h sáng thì thấy một đoàn gồng gánh, ngựa thồ, đồ đạc, trâu bò và cả một số phụ nữ hơn 20 người, cô nào cô ấy xinh đẹp vì đã qua tuyển chọn của bọn chúng, độ tuổi các cô đều 18 -20 tuổi. Chúng nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh mà ngơ ngác. Chúng có một tiểu đội 12 người với vài khẩu súng trường đi áp tải. Tên đội trưởng đến trước mặt Đinh Công Đốc, hắn run lẩy bẩy, “thưa bẩm”:

“Tôi bị ông Hà Công Thắng sai áp tải những của cải, đồ vật, các cô gái này về Điền L. Chứ Việt Minh hay là cái gì mà ông nói, tôi không hiểu gì cả”. Hỏi đến tên Thắng, thì tên này đã đi theo đường sông Lồ về Hồi Xuân hôm qua rồi. Ông Đốc bảo hắn: “Thầy các anh là lang Hà Công Thắng tao không lạ gì. Các anh về báo cho Hà Công Thắng rằng, ta là Đinh Công Đốc, con ông Đinh Công Phủ ở Mường Diềm, đi làm cách mạng, có mặt trận Việt Minh và Đảng lãnh đạo. Các anh bảo thầy các anh rằng, không được hà hiếp nhân dân, phải theo cách mạng, nếu không ta sẽ trừng trị”. Bao nhiêu của nả, con người, được các chiến binh đem trả lại cho nhân dân, nhà ai người nấy về, của ai người nấy nhận.

Cưỡi ngựa, tấn công, giải cứu như trong… Tam Quốc chí


Cảnh tiến công lên giải phóng Mộc Châu, bảo vệ bác Sa Văn Minh, dùng mưu trí, ba tấc lưỡi và cả uy vũ nức tiếng của mình để cứu người bạn của cha mình, một thủ lĩnh người Thái khỏi cái thế uy hiếp ngàn cân treo sợi tóc trước bọn phản động có súng ống trong tay (cứ như trong Tam Quốc chí với các cuộc chiến dụng mưu đoạt thành trì). Đọc đến đây, tôi càng thêm tin tưởng: ông Đốc là người mê Truyện Kiều, mê văn chương Pháp, đặc biệt, trước khi cưỡi ngựa dẫn các tay súng lão luyện của mình đi giải phóng quê hương, ông đã đọc rất kỹ Binh pháp Tôn Tử (như ông đã tiết lộ trong hồi ký):

“Sáng hôm sau, chúng tôi đi vào Xuân Nha, đất Mộc Châu (nay là huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La – Đ.D.H). Suối nước Quanh lắm cá thật, ném một quả lựu đạn mà cả đoàn quân cả dân công gần 300 con người đủ cá ăn. Đường là đường mòn, lúc phải qua đèo tương đối cao, may có hai con ngựa của bọn Hà Công Thắng mới cướp được, khi quân cách mạng đem trao trả cho dân thì không có chủ nhận, thế là cho hai anh Tình và Ty cùng cưỡi, hai anh lớn tuổi, không quen đi đường núi. Trong lúc cùng nhân dân ăn cơm đoàn kết thì thấy hai người cưỡi ngựa tới, thì là người nhà của bác Sa Văn Minh (ông Minh cũng là tầng lớp quan lang đã giác ngộ cách mạng,, là chỗ thân tình với gia đình ông Đốc từ xưa – Đ.D.H) và một người tâm phúc nữa. Họ đưa thư khẩn cấp: Lường Văn Phúc, sai hai đứa con trai là Lường Văn Quay và Lường Văn Đôi đem quân đủ võ khí lên định sát hại bác Sa Văn Minh và cướp châu lỵ Mộc Châu trước quân cách mạng. Nhưng do được một số dân binh thân cận và các lính dõng cầm cự, nên bọn chúng chưa dám nổ súng.

Cảnh tình như vậy, nếu đi bằng chân (đi bộ) thì ít nhất phải trưa hôm sau mới tới được Mộc Châu, nên tôi nói với ông phìa (tầng lớp cai trị ở địa phương – Đ.D.H) Xuân Nha là cháu của ông Minh, phải cho tập trung số ngựa có trong toàn bộ xã lại để chúng tôi tức tốc mượn, cưỡi thẳng đi Mộc Châu, may ra mới kịp. Được 45 con ngựa thuần có yên cương. Cũng may, trong đội quân có nhiều chiến sỹ là người vùng cao cũng tường cưỡi ngựa, nên chúng tôi đã nhanh chóng biến thành một đội kỵ binh, chẳng kém gì đội kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông năm xưa, ai nấy hớn hở cho mình là hùng dũng lắm. Đi từ 11h trưa, khi chúng tôi đến lỵ sở Mộc Châu, trời vẫn còn tối, mới 4h sáng hôm sau. Bác Sa Văn Minh ra tận nơi đón, như đón các vị cứu tinh. Bác cảm xúc nói, hoài niệm: thời cha của bác đã từng được ông nội cháu cứu, đến giờ, bác lại được cháu đến cứu. Vì đó là tình cảm lâu đời đã có giữa hai họ Đinh và họ Sa chúng ta. Công việc ở huyện này, ở vùng Tây Bắc này đang trông vào những người như cháu và Cách Mạng.

Nhà của bác Sa Văn Minh ở bản Vặt, cách huyện lỵ Mộc Châu và con đường đi Lào độ 2km gì đó. Khi bọn Nhật đến đây, chúng dùng huyện lỵ làm bản doanh của sư đoàn, ngay thị trấn châu lỵ, những nhà công sở trở thành những kho tàng của Nhật. Còn công đường của chính quyền, bác Sa Văn Minh đặt tại tư thất luôn. Tư thất của bác Minh cũng khá rộng, có đến hai chục phòng… Bọn thằng Đôi, thằng Quay nghe nói tôi đến, chúng cho rút quân ngay, không còn ở tư thế bao vây nữa. (…) Tôi bảo bác cho bảo hai thằng Đôi và Quay vào gặp, hai thằng ngoan ngoãn vào. Khi tới, tôi mời ngồi tử tế. Vì hai nhà thường đi lại, khi xưa, hai bên đã biết nhau, vì tôi và chúng cùng một lứa tuổi. Tôi hỏi: hai anh mang quân lại đây có mục đích gì. Họ nói là vào để đón chúng tôi, cùng hội quân rồi lên Tây Bắc cướp chính quyền. Tôi nói, tôi đồng ý như vậy, nhưng việc tổ chức quân cần phải quy củ chỉnh tề. Các anh có bao nhiêu quân, có bao nhiêu võ khí, các anh phải kê khai và ngay bây giờ cho quân vào trong sân này để tôi kiểm duyệt và sắp thành hãng ngũ. Khi súng gác lên giá, quân sỹ của chúng đã xếp hàng, tôi bảo: tôi biết mục đích hành động của các anh không chính đáng. Cha con chú cháu các anh trước đây theo đảng Đại Việt thân Nhật, các anh định chống lại chúng tôi và cách mạng, nể tỉnh láng giềng tôi đã viết thư khuyên nhủ, các anh không nghe. Bây giờ chủ các anh là Nhật đã đầu hàng, cách mạng đã thắng lợi. Nếu không nghĩ tình anh em xưa, thì theo theo chính quyền cách mạng xử lý. Nhưng tôi không xử lý, các anh nộp vũ khí rồi cho về làng, còn bao nhiêu vũ khí nộp nốt (….), nếu tái phạm sẽ không tha thứ. Số vũ khí thu được của bọn này, 4 khẩu tiểu liên, 28 khẩu súng trường Pháp, 4 khẩu súng trường Nhật, 2 khẩu súng ngắn, 28 quả lựu đạn, còn dao thì không thu.

Đinh Công Đốc – sự sửng sốt với viên sỹ quan người Nhật!

“…Khi gặp một tên người Nhật bị giải giáp. “Tôi và ông tôi (tức là ông Đinh Công Phủ, bố ông Đốc – Đ.D.H) ở đó. Hắn (tên người Nhật) biết tôi, đi theo hắn có một tên quan II và một tên thư ký, tên phiên dịch người Tàu. Hắn đến, thấy Đinh Công Nơi, chánh tổng; Đinh Công Ba, lý trưởng, các kỳ mục hào lý đến đông đủ. Khi hắn đến, theo phép lịch sự tôi ra đón, bố tôi cũng đứng dậy. Tôi giới thiệt, đây là ông Đinh Công Phủ. Hắn càng kinh ngạc, hắn tỏ vẻ khâm phục. Hắn đứng ngắm ông tôi và tôi, hắn hồi tưởng cái gì đó? Khi ngồi xuống uống nước, hắn nói: chính tôi chỉ huy trung đoàn này, cấp trên lệnh cho tôi phải vào phá chiến khu Sông Đà (căn cứ của Việt Minh, nơi bố con ông Đốc hoạt động – Đ.D.H). Tôi đến đây được đúng 1 tháng 19 hôm thì quân đội Nhật đầu hàng. Nếu chậm một tuần nữa, thì tôi với cha con ông sẽ là phải nói chuyện với nhau bằng những viên đạn và những mồi lửa. Ngày hôm nay tôi được gặp hai cha con ông, tôi thấy đó là một hạnh phúc của Việt Nam và của cha con ông và cả tôi nữa. Lúc chiến đấu, tất nhiên sẽ có những cái chết, mà không thích thú gì.

Hắn đưa cái ảnh do tên Hán gian Chu Chướng ở Chợ Bờ đã chụp tôi. Hắn nói: đấy, cái ảnh này, một người thanh niên trong ảnh đang làm cho quân đội Nhật đã phải điều hàng trung đoàn để đối phó. Tôi cũng như những nhà quân sự của quân đội chúng tôi ở vùng này, chưa đánh giá đúng được là con người thế nào. Tại sao lại dám đương đầu với một quân đội khét tiếng xưa nay. Cái ấn tượng ấy lồng trong lệnh tiến quân của cấp trên tôi. Tôi chậm lại vì chưa hiểu rõ, chiến khu ở đâu, chỉ thấy rừng và làng bản vắn vẻ và nghe đủ các cơ súng thô sơ nổ ra phía quân Nhật đang tiến lên. Khi quân đội Nhật dừng lại bố trí trận địa thì lại thấy vắng lặng. Tôi đã nghĩ, kỳ này tôi vào chiến khu Sông Đà, sẽ gặp cảnh như thế. (…) Vì thế mà tôi chậm lại (quá trình tiến quân – Đ.D.H), vì thế mà hôm nay được gặp và ăn cơm với bố con ông. Tôi muốn trao lại tấm ảnh này cho ông, nhưng tôi xin ông cho tôi giữ làm kỷ niệm. Để khi trở về nước Nhật, tôi sẽ nói với con cháu tôi là sang nước Việt Nam, người Việt Nam có những người trẻ trung, yêu nước, dũng cảm như các ông.

Hắn uống rượu hỉ hả, hắn bắt tay tôi chúc Việt Nam độc lập, hạnh phúc. Tôi ngỏ ý về súng đạn, hắn nói: súng của Nhật thì không được phép (đem cho các ông – Đ.D.H); nhưng có trong kho độ hơn chục khẩu súng của Pháp và súng Cacbin và một số đạn, ngày mai sẽ đẹp tặng quân cách mạng. Khi tôi ngỏ ý mượn hai chiếc xe ô tô để chuyền quân lên Mộc Châu, hắn bảo, xe thì có nhưng không có tài xế, bởi không thể cho tài xế của chúng tôi đi lái cho các ông được. Tôi bảo, chúng tôi có tài xế”.

Năm 21 tuổi, ông Đốc nói với một chiến binh Nhật, khi anh ta kêu ca rằng binh sỹ của anh ta đang sợ chết, chết ở cái nơi quá xa tổ quốc họ (Việt Nam): Các ông theo lệnh Nhật Hoàng, theo các nhà quân sự hiếu chiến của chủ nghĩa Phát xít xâm lược. Các ông không thích thú gì và sợ chết là phải. Còn chúng tôi có thể thấy chết mà vẫn nhảy vào vì chúng tôi là quân đội cách mạng Việt Nam chiến đấu và giải phóng cho Tổ quốc và cho gia đình làng xóm của mình. Chúng tôi rất tự hào và vui vẻ lao vào cuộc chiến để mưu hạnh phúc cho dân tộc. Cái chết của chúng tôi khác với cái chết của các ông vì các ông có phải đi chiến đấu cho đất nước, cho bà con, cha mẹ dân làng các ông đâu.