Sự thật về tấm áo may từ lá cờ thần mà Bác Hồ đã tặng Quan Phó lang xứ Mường…

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng

Sau khi Báo Lao Động đăng loạt phóng sự dài kỳ (4 bài) “Chuyện ít biết về dòng dõi quan lang xứ Mường”, nhiều độc giả và các nhà nghiên cứu đã liên lạc về tòa soạn trao đổi xung quanh chi tiết đầy xúc động liên quan đến tài thu phục lòng người, sử dụng “nhân tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ còn trứng nước Cách mạng. Đó là việc Bác viết thư thăm hỏi, tặng quà, đem cả tấm áo trấn thủ may bằng lá cờ thờ thần do bà con vùng Quảng Oai, Sơn Tây dâng tặng Người để “biếu” quan Phó Lang xứ Mường Đinh Công Phủ. Tấm áo ấy, những lá thư ấy, hơn 60 năm trôi qua, giờ đây ngành bảo tàng vẫn trân trọng giữ gìn cẩn trọng. Đại ý, Bác viết: bà con may áo tặng tôi bằng lá cờ thờ thần làng mình, với ngụ ý “người mặc tấm áo này được coi như một vị Thần”, tôi tặng áo cho cụ Phủ và “cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm” (lời của Bác trong lá thư đề ngày 15/1/1948). Ông Phủ, là “Phó vương” quyền lực nghiêng rừng nghiêng núi xứ Mường, cũng từng lầm lạc với không ít tội ác từ hồi ánh sáng cách mạng chưa lên tới núi cao, có lẽ vì sớm cảm được tấm tình của Bác và Chính phủ Cụ Hồ mà sớm quay mũi súng, giao nộp toàn bộ “binh quyền”, cùng con cháu và gia binh xông pha giải phóng non sông.

Cắt áo thành hoàng phục vụ “Mùa đông binh sỹ”

Đầu năm 2010, cầm trong tay bản photo lá thư, có chữ ký, dấu triện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đem theo ảnh chụp tấm áo trấn thủ huyền thoại, chúng tôi đi tìm cái vùng quê với các con dân may áo bằng lá cờ thờ thần độc đáo kia. Hơn 60 năm đã trôi qua, địa giới hành chính thay đổi quá nhiều; những người cắt cờ, cắt áo thờ thành hoàng làng và đồ tế lễ “chư vị thần linh” ra để may áo tặng Chủ tịch nước và các binh sỹ “nếm mật nằm gai” ngoài sa trường – ai còn ai mất? Tự tay phá đình chùa, tự tay cắt áo tế, cờ hội ra như thế, bà con mình đau đớn lắm chứ. Nhưng, tổ quốc lâm nguy, khi chấp nhận tận cùng hy sinh cho sự nghiệp lớn, họ đã nghĩ gì? Nếu còn sống, những “anh hùng vị quốc” lạ lùng kia, cũng đã ngoài 80 tuổi cả rồi. Biết bao câu hỏi trên từng bước đường tìm kiếm, gặp gỡ. Truy mãi trong những văn bản cũ kỹ đến từ hơn nửa thế kỷ trước, chúng tôi chỉ tìm được đến hai chữ “Vân Sa” có vẻ “tiềm năng” tìm được vùng đất và con người đã làm nên “huyền thoại” kia nhất, trong lá thư của Bác gửi ông Đinh Công Phủ. Nguyên văn như sau (chữ đánh máy bấy giờ không có dấu): “Tấm áo này may bằng cờ thờ thần của dân Vân – Sa, Quảng Oai (Sơn Tây), ngụ ý của nó, vì người mặc tấm áo này được coi như một vị thần”. Thư khác, Bác viết: “Tôi gửi biếu cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”. Quảng Oai giờ không còn thuộc Sơn Tây, Sơn Tây cũng không còn là một tỉnh nữa. Cả vùng Sơn Tây và vùng Quảng Oai (nay đều thuộc vào địa giới hành chính của TP Hà Nội), tuyệt nhiên không có địa danh nào là Vân Sa (xã hay thôn?). Một nhà nghiên cứu phân tích: nếu là vùng thuần nông, họ sẽ dâng bông lúa vàng tặng Chính phủ Cụ Hồ. Và, cái miền quê đã tổ chức may áo bằng cờ thần tặng Bác, không thể là làng không có nghề canh cửi hay may mặc truyền thống. Lục tìm các làng tơ lụa, tằm tang, may mặc cổ ở xứ Đoài, tỉnh Sơn Tây (cũ), chúng tôi gặp một địa danh là Vân Sa. Đó là thôn ven đê sông Hồng, nay thuộc vào xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Nhưng, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa “thông kim bác cổ” nhất vùng Quảng Oai mà chúng tôi tham vấn, tuyệt nhiên không ai biết chi tiết gì tấm áo người Vân Sa đã dâng tặng Bác Hồ. Về làng, hỏi ai cũng lắc đầu, có cán bộ cơ sở tủm tỉm: năm 1946 – 1947 phải không ạ, để em tính, năm ấy ông nội em cũng vẫn chưa… được sinh ra ạ. Theo kinh nghiệm, chúng tôi quả quyết tìm bằng được những người đã nhiều năm làm lãnh đạo xã Tản Hồng, nay đã nghỉ hưu, họ không thể không biết chuyện cảm động kia, nếu thực sự “làng lụa Vân Sa” này là “Vân – Sa” (viết không dấu, giữa hai chữ có gạch ngang) trong thư của Bác. Quả nhiên, ông Nguyễn Minh Can, ngoại bát tuần, chân chậm mắt mờ, người đã có 22 năm vừa làm Bí thư Đảng ủy vừa làm Chủ tịch UBND xã (bắt đầu từ năm 1955), nghe tôi dò hỏi, ông liền cật vấn: thế chú hỏi chuyện xửa xưa ấy để làm gì? Chú có Giấy giới thiệu hay Thẻ nhà báo không? Ăn chắc rồi, tôi tự nhủ.

Ông Can nghỉ hưu năm 1987, đó cũng là lúc Lịch sử Đảng bộ xã được hoàn thành, ông có đọc, và nghe chuyện về những ngày cả làng náo nức tập kết ra ngoài đình để may áo trấn thủ, chăn ấm gửi ra chiến trường. Đó là chiến dịch “Mùa đông binh sỹ”, có bài hát cùng tên, khá nổi tiếng, “cổ động” cho sự kiện này, do nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sáng tác. Đó là lúc những lá cờ khổng lồ “to bằng ngôi nhà 3 gian”, những chiếc bình đính (tức là cái bạt bằng nỉ dùng để căng phồng, chen kín cả sân đình khi có hội) được cắt ra, áo vàng của thành hoàng, đồ tế lễ khăn khố, áo nỉ thêu rồng phượng cầu kỳ, võng lọng cờ quạt đều được rỡ tan hoang may áo gửi ra chiến trường. Xưởng may khổng lồ được “nhóm họp” ở ngay giữa đình làng, bà con làm lễ xin chư vị xá tội báng bổ thần linh rồi mới bắt tay vào việc. Vải tốt trên áo ngai của thành hoàng, vải đẹp trên lá cờ đại bao năm phật phật trên đê sông Cái mùa lễ hội đã được bà con trân trọng chọn ra, may tấm áo trấn thủ, gửi lên Ủy ban hành chính kháng chiến lâm thời, nhờ chuyển về Thủ đô kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Nguyễn Đình Bảo, sinh năm 1929, sống thanh bần trong ngôi nhà cổ, rêu xám ngói âm dương, là cán bộ tiền khởi nghĩa, phụ trách Ban viết sử Đảng của xã, kể: khoảng năm 1947, người đầu tiên về xã vận động bà con may áo phục vụ cách mạng, là cụ Lê Ngọc Bách, Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Tản Hồng chúng tôi. Rằng, bộ đội mình đánh giặc, giữa mùa đông rét mướt, thiếu thốn mọi bề. Bác Hồ phát động tuần lễ vàng và chiến dịch Mùa đông binh sỹ. Dưới Đan Phượng (nay là một huyện của TP Hà Nội) là “Quê hương gái đảm”; quê ta theo nghề tằm tang canh cửi do Công chúa Hoàng Phủ Thiếu Hoa, con gái vua Hùng, truyền dạy – thì bà con hãy nỗ lực may áo trấn thủ tặng các chiến sỹ diệt giặc ngoài rét sương. Xã chúng tôi, bấy giờ chỉ có 1/5 dân số làm ruộng. Người mặt bãi (ven sông Hồng) thì đi thuyền, bè ngược bè xuôi. 3 thôn trên giồng dâu, chăn tằm. Làng Vân Sa chuyên nghề lấy tơ khắp nơi, mang về dệt ra lụa thành phẩm, rồi cung cấp cho làng lụa Vạn Phúc dưới Hà Đông. Nghĩa là, Vân Sa nằm gần làng lụa Cổ Đô, nằm cách làng lụa Vạn Phúc gần 80km, nhưng các làng tơ tằm, lụa đũi của của tỉnh Sơn Tây (cũ) luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi làng phụ trách một công đoạn làm nên nghề lụa nổi tiếng nhất nước Nam. Câu ca từ thượng cổ ca ngợi lụa vùng Vân Sa, Cổ Đô được truyền tụng cả trong các triều vua chúa phong kiến, như sau: “Lụa này thực lụa Cổ Đô/ Chính danh lụa cống, các cô ưa dùng” (cống là “tiến” vào cung vua, các cô là các “mỹ nữ” của cung cấm). Trước chiến dịch “Mùa đông binh sỹ”, làng Vân Sa đã sầm uất với nườm nượp xe tay kéo, chở các “thương gia” xuôi ngược Tản Hồng, Cổ Đô, về Hà Đông, Hà Nội “nhập tơ”, “xuất lụa”.
Không khí hăng hái, quyết liệt cho tiền tuyến tràn ngập xóm làng. Có bao nhiêu cái máy khâu, bao nhiêu nhân lực hiểu về may mặc được “điều” hết ra đình làng. Đình nằm dưới chân đê, ngày náo nức, đêm rực rỡ ánh đèn. Có cụ già khóc lớn ba tiếng quả quyết vái lạy thành hoàng, xin tha tội cho dân làng dám làm điều “chưa từng thấy”. Rồi họ mới dám rỡ toàn bộ cờ, phướn, áo nỉ, áo thờ, khăn áo tế, cờ đại, cờ nhỏ, tàn lọng… Điều đặc biệt là ở Tản Hồng, có rất nhiều lá cờ khổng lồ. Các thôn Vân Sa, La Phẩm, La Thượng, La Thiện… đều có những lá cờ to bằng vài gian nhà. Cờ hội treo phần phật, đỏ ối, thêu rồng phượng hết sức cầu kỳ ở trên đê sông Cái. Mỗi lá cờ ấy to bằng ba gian nhà, cắt ra phải may được hàng chục chiếc áo trấn thủ!

Chiếc áo “huyền thoại” và chiến lược dùng người…

Bà Nguyễn Thị Thuy, vợ ông Bảo, người trực tiếp làm tiếp phẩm, phục vụ cơm nước cho chiến dịch may áo trấn thủ phục vụ binh sỹ, bà nhớ y nguyên cảm giác vừa bón cho con ăn, vừa canh cho du kích họp trong căn nhà bí mật. “Chúng tôi bảo nhau, chọn phần phải đẹp nhất, ấm nhất, may chiếc áo đẹp nhất, gửi biếu Cụ Hồ” – bà Thuy tự hào. Ông Hoàng Văn Tịnh, 81 tuổi, chiêm nghiệm: làng chúng tôi được giác ngộ cách mạng sớm, được vinh danh là xã anh hùng thời chống Pháp. Ngoài việc quyên góp vàng cho Chính phủ, bà con sẵn sàng trèo lên mái, đẩy xô toàn bộ ngói của đình xuống, để tránh cái họa Tây nó đi càn, nó lấy đình làng làm nơi đóng đồn lập bốt. Có gia đình “đóng góp” tới 6 thợ may, may nửa tháng đã có tới hàng chục cái chăn và hơn 200 cái áo trấn thủ gửi ra chiến trường (trích tài liệu “Lịch sử Đảng bộ xã Tản Hồng).

Người thợ may trực tiếp đứng ra may áo trấn thủ gửi tặng Bác Hồ còn sống đến hôm nay, đó là cụ Vũ Quang Lạc. Năm nay 86 tuổi tuổi, vẫn có thể hành nghề thợ may trên chính cái máy cổ kính đã may áo tặng Bác khi xưa, ông Lạc nhớ lại: “Bố tôi là ông Vũ Văn Chương, tổ trưởng tổ may trong chiến dịch “Mùa đông binh sỹ” ở Vân Sa hồi ấy. Tôi, ấy giờ, tuổi hai mươi hăng hái, cũng chỉnh chệ ngồi máy khâu, cắt áo của… thành hoàng. Tôi bị ám ảnh mãi, đó là lần đầu tiên tôi dám sờ tay vào tấm áo thiêng quý của thành hoàng làng. Tấm áo được may bằng vóc, màu vàng rực, “của nhà làm được”, quê tôi là quê lụa, áo thành hoàng dĩ nhiên là tuyệt… sắc rồi. Lớp lang, rộng rãi. Riêng “y phục” của thành hoàng, chúng tôi cắt ra may được 9 áo trấn thủ!”.

Vậy là, tấm áo duy nhất được “chính danh” may bằng cờ, áo thờ thần linh (thành hoàng) đã được những người yêu nước ở Vân Sa gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi, với chiến lược dùng người tài tình, với khát vọng đoàn kết dân tộc để giải phóng quê hương, Bác đã gửi “biếu” Phó Quan lang (nôm na là “Phó vương” xứ Mường) Đinh Công Phủ với những lời nghĩa tình mà đến tận hôm nay, đọc lại, chúng ta còn thấy rưng rưng cảm động. Lại nhớ đến việc Bác kết nghĩa anh em, mời ông “vua Mèo” Vương Chí Sình về làm… Đại biểu Quốc hội; lại nhớ việc Bác cho người mời bằng được “thủ lĩnh người Tày” Vi Văn Định từ thái ấp trên xứ Lạng về Thủ đô để Nhà nước ta chăm sóc tận tình… Tấm áo trấn thủ được “biếu” lên xứ Mường rừng xanh núi đỏ, bên cạnh việc thể hiện “chiến lược dùng người”, đó còn là cái Tình của Bác với đồng bào ở nơi xa xôi. Cô giáo Đinh Lâm Oanh, cháu nội ông Đinh Công Phủ xúc động nói với PV Lao Động: Tôi luôn tin, vì được may bằng một lá cờ thờ thần, nên chiếc áo đó, dù bị lưu lạc bao nhiêu, vẫn không thể nào “thất lạc”. Chính vì thế, dù bị “lấy” khỏi gia đình tôi từ rất lâu, nay áo quý vẫn “ngự” trang trọng ở Bảo tàng…

Đ.D.H
(Bài dài 2300 chữ, kèm theo chùm ảnh)

Chú thích như sau:

2: Bà Thuy, người trực tiếp nấu cơm phục vụ đội thợ may trong chiến dịch “Mùa đông binh sỹ”.

3: Đình làng Vân Sa, nơi các tổ hợp may mặc hoạt động suốt đêm ngày (trong 15 ngày) để may áo gửi ra chiến trường, trong đó có chiếc áo may bằng cờ thờ thần gửi tặng Bác Hồ.

5: Chiếc áo “thần” được Bác Hồ gửi tặng Quan Phó Lang xứ Mường, ông Đinh Công Phủ. Nay, áo được ngành bảo tàng trân trọng lưu giữ.

6: Lá thư cảm động mà Hồ Chủ tịch gửi tặng ông Đinh Công Phủ, kèm theo là tấm áo trấn thủ “may bằng lá cờ thờ thần”, kèm theo là lời ân tình: “Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”.

Ao Bac Ho.jpg: Cụ Nguyễn Đình Bảo, pho sử sống của làng Vân Sa nhớ lại: “Mỗi lá cờ đại quê tôi to bằng mấy gian nhà, thêu rồng phượng cầu kỳ lắm, cắt ra may được tới hơn… 10 chiếc áo trấn thủ”.

Tiếp theo:

Viết tiếp loạt bài “Chuyện ít biết về dòng dõi quan lang xứ Mường”:
Họ đã xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ…

Sau khi báo Lao Động đăng tải liên tiếp 3 kỳ phóng sự “Chuyện ít biết về dòng dõi quan lang xứ Mường” (từ số báo 212 ra ngày 21/9/2009), toà soạn đã nhận được nhiều ý kiến, tư liệu, đánh giá của các chuyên gia và độc giả. Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận các tài liệu mà PV đã dày công sưu tầm khi thực hiện các bài viết, đặc biệt nhấn mạnh đến các tư liệu, thư từ, giấy khen, quà tặng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao cho những “người nhà lang” theo cách mạng. Lý do là: toàn bộ các văn bản và “chiến lược dùng người” của Bác mà Lao Động đề cập đều được “phát” đi từ ATK, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Sau đây, PV Lao Động lược ghi ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hoà Bình, cùng nhà cách mạng lão thành Hoàng Ba, người đồng đội năm xưa của ông Đinh Công Đốc:

Nhà sử học Dương Trung Quốc:
“Chiến lược dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

“Việt Nam chúng ta là một đất nước có nhiều cộng đồng dân tộc anh em chung sống đoàn kết. Những bằng chứng thuyết phục và sinh động cho vấn đề này nó biểu hiện từ hai phía, từ phía chính sách của Nhà nước với đồng bào các dân tộc và từ phía tình cảm của bà con các dân tộc với Nhà nước ta. Trong số đó, với đồng bào người Mường, ta cần xem xét với một cái đặc thù riêng. Người Mường, không chỉ chỉ là một dân tộc có số lượng dân cư không nhỏ, mà có thể nói: trong chừng mực nào đó, bà con người Mường đã gắn bó chặt chẽ với nguồn gốc của dân tộc Việt. Nhiều nhà dân tộc đã khẳng định, người Mường có gắn bó sâu sắc với người Việt cổ. Trong quá trình lịch sử kể trên, Việt Nam đã có những “di sản văn hoá”, cả vật thể và phi vật thể quý giá về mối tương quan cũng như sự đoàn kết đó. Nếu chúng ta khai thác được thêm nhiều bằng chứng về sự đóng góp của người Mường với lịch sử Cách mạng, với Bác Hồ (ví dụ như trong loạt bài mà báo đã Lao Động thực hiện), là điều rất quý”.

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Cuộc chiến giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân diễn ra cách nay đã lâu, nếu chúng ta không lưu giữ những di sản đó, nó sẽ mai một. Vì vậy, những gì thể hiện trong loạt bài về quan lang người Mường theo cách mạng mà Lao Động thực hiện là điều hết sức đáng ghi nhận. Nó góp phần và gợi ý cho tất cả chúng ta tiếp tục bảo tồn và nghiên cứu các di sản này hơn nữa. Những tư liệu đó, khi xuất bản (ví dụ như công bố các bài báo, các cuốn hồi ký của quan lang theo cách mạng), nó không chỉ là thứ để cho những người đã trải nghiệm họ nhớ lại giai đoạn lịch sử mà họ đã sống; quan trọng hơn, nó còn là di sản cho thế hệ trẻ hiểu, học tập, nghiên cứu và tự hào về truyền thống cha anh mình”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích, liên tưởng rộng hơn: “Việc thu phục các “tù trưởng” vùng cao để họ được đóng góp cho sự nghiệp chung, chính nghĩa của quốc gia, cũng là truyền thống của dân tộc ta, nó thể hiện qua các rất nhiều “triều đại”. Xưa cũng vậy và nay cũng vậy. Xưa, chính quyền “trung ương” rất quan tâm đến các khu vực phên giậu của đất nước. Việc thu phục những thổ tù, thủ lĩnh ở phên giậu là truyền thống được thể hiện liên tục từ thời xưa cho đến thời hiện đại, mà những tài liệu chúng ta đang đề cập lúc này là một ví dụ. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, chúng rất thâm độc với chính sách “chia để trị”, chúng “khai thác” sử dụng các thủ lĩnh địa phương, nhằm gây ra các mâu thuẫn dân tộc để thực hiện mục đích xấu của chúng. Cho nên, việc Đảng, Bác Hồ thu phục được họ, dẫn dắt họ đi theo con đường sáng, là một thành công rất lớn. Điều đó đã không chỉ góp phần quan trọng phá vỡ các âm mưu chia rẽ, xâm lược của địch; mà nó còn tạo cơ hội cho bà con các dân tộc vùng cao được phát triển, đóng góp cho tổ quốc một cách bình đẳng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất tâm đắc quan điểm như thế, Người coi đó là một vấn đề vấn đề chiến lược”.

Tiến sỹ lịch sử Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:
“Các lang đạo theo cách mạng, họ đã sống và cống hiến xứng đáng với niềm tin của Đảng, Bác”

“Những tài liệu, thư từ, giấy khen… liên quan đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng ta bấy giờ dùng trí thức cũ, lang đạo người Mường vào việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền năm 1945 (và đánh Pháp, xây dựng chính quyền sau năm 1945) đã thể hiện sự sáng suốt trong chiến lược đại đoàn kết, thu phục lòng người, sử dụng nhân tài của Bác. Bác trân trọng tất cả những con người như thế (dẫu là có “tội ác” trong chế độ cũ, mà biết sớm giác ngộ theo cách mạng) kể cả khi chiến tranh lẫn khi đã hoà bình lập lại. Và bản thân những trí thức, lang đạo trong xã hội Mường cũ, khi theo cách mạng, họ có những đóng góp rất hào hùng, họ xứng đáng được tôn vinh. Bác Hồ đã tin tưởng họ, bản thân họ cũng đã sống, cống hiến xứng đáng với niềm tin của Người. Những tư từ, giấy khen, tài liệu liên quan đến việc Hồ Chủ tịch sử dụng, trân trọng các lang đạo trong xã hội Mường vào thời kỳ 1945 và sau đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được gia đình các “lang đạo” cũ tặng bản gốc hoặc phô tô lại, chúng tôi lưu giữ khá đầy đủ, ngay từ đầu những năm 1980”.

Bµ Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hoà Bình:
“Những sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử cách mạng vùng Mường Hòa Bình”

“Việc Bác Hồ gửi thư và quà khen ngợi động viªn Lang Cun người Mường Đinh Công Phủ và các “con cháu nhà lang” khác, như Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Đốc… là những sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử cách mạng vùng Mường Hoà Bình và lân cận. Vì, chúng ta cần hiểu bối cảnh lịch sử bấy giờ, bà con bản xứ tin vào nhà lang tuyệt đối, lang bảo gì họ nghe đó. Cái việc nghe này, nó không chỉ là mệnh lệnh theo kiểu giai cấp thống trị (nhà lang), mà đó còn là vấn đề tiềm thức từ ngàn đời của bà con trước lang – ông “vua” một câi: lang muèn g× ®¬­îc nÊy, lang cho sèng ®¬­îc sèng, lang b¾t chÕt ph¶i chÕt. Uy quyÒn cña lang kh«ng kh¸c g× vua chóa ë ®Þa ph¬­¬ng.

Khi Lang Cun (lang cai qu¶n c¶ vïng M­êng réng lín) Đinh Công Phủ theo cụ Hồ đánh đuổi giặc Pháp, thì bà con đồng loạt đi theo. Các hiện vật như thư từ, tấm áo trấn thủ may bằng một lá cờ thần do bà con vùng Sơn Tây tặng Bác Hồ, mà Bác Hồ lại đem tặng ông Đinh Công Phủ đang được ngành bảo tàng lưu giữ cẩn thận.

Đặc biệt, con trai cụ Đinh Công Phủ – ông Đinh Công Đốc, là một “quan lang” đi theo cách mạng, lập nhiều chiến công khiến bà con trong toàn khu vực hết sức ngưỡng mộ. Họ coi Đinh Công Đốc như một người thủ lĩnh đặc biệt. Chiến công của ông Đốc gắn liền với sự ra đời và phát triển của khu c¨n cø c¸ch m¹ng Mường Diềm, một trong bèn khu c¨n cø c¸ch m¹ng cña tØnh Hoµ B×nh n»m trong hÖ thèng chiÕn khu Hoµ – Ninh – Thanh (Hoµ B×nh – Ninh B×nh – Thanh Ho¸) do Xø uû B¾c kú x©y dùng vµ trùc tiÕp chØ ®¹o ®Ó chuÈn bÞ cho cuéc Tæng khëi nghÜa th¸ng 8 n¨m 1945.

Năm 1996, Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm trải rộng trên địa bàn của 12 xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình đã được hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia”.

“Dũng tướng” Đinh Công Đốc, trong mắt người “đồng đội” năm xưa

Ông Hoàng Ba (tức Hứa Văn Khả), là nhà cách mạng lão thành, từ tháng 1 năm 1944 đã lên hoạt động tại Hoà Bình, lúc nước sôi lửa bỏng, vào tận nhà thuyết phục Quan Phó lang Đinh Công Phủ đem toàn bộ gia sản, vũ khí, quân đội theo cách mạng. Khi trung đội vũ trang chiến khu Diềm thành lập, ông Hoàng Ba và ông Đinh Công Đốc là hai người trực tiếp chỉ huy, huấn luyện những “đội viên” đầu tiên. Đà Bắc đã oanh liệt giành được chính quyền rất sớm, từ tháng 5 năm 1945! Và, sau khi giành chính quyền tháng 8 năm 1945, ông Hoàng Ba làm Bí thư huyện uỷ Mai Đà (nay tách thành 2 huyện Mai Châu và Đà Bắc của Hoà Bình); làm Trưởng Ban kiểm tra tỉnh Hoà Bình… Ông Hoàng Ba hiện đang sống ở thành phố tỉnh lỵ Nam Định. Ông nhớ lại:

“Lúc bấy giờ (trước Cách mạng Tháng Tám, 1945), Đinh Công Phủ là một cái “anh” ngang ngược ở vùng Hoà Bình rộng lớn. Đinh Công Phủ từng theo Quốc dân Đảng thất bại. Khi chúng tôi lên thuyết phục, Đinh Công Phủ hăng hái tham gia Cách mạng. Rồi cả Mường Diềm của ông ta cũng đi theo “ta”. Toàn bộ “binh sỹ” của ông Phủ là hơn tay 100 súng (có 2 trung liên, 4 tiểu liên), phân đội vũ trang rất mạnh với nhiều vũ khí đạn dược đã tình nguyện đem theo phục vụ cách mạng. Trung đội vũ trang ấy do chính con trai ông Phủ (Đinh Công Đốc) chỉ huy được huấn luyện đi 15 ngày, ở xóm Nghịt. Lớp huấn luyện ấy đã đánh dấu sự kiện quan trọng: đầu tiên người Kinh, Mường, Tày, Dao… ở Mường Diềm cùng đoàn kết lại “võ trang” chống Pháp. Bữa khao quân hôm ấy anh Đốc cho giết những lợn to lắm. Điều tuyệt vời là: sau lớp huấn luyện võ trang ấy cả Mường Diềm chỗ nào bà con các dân tộc cũng rất khí thế tâp quân sự, chỗ nào cũng là các tổ chức Việt Minh. Tập quân sự ban ngày và cả ban đêm, cứ 50 – 70 người một “phiên đội” võ trang, các xóm, bản đều tập cả, không khí tưng bừng chưa từng có…
… Tôi nhớ nhất là cảnh chúng tôi (và Đinh Công Đốc) đánh nhau với tên Hà Chiều Thắng và tay sai của chúng ở Mai Châu. Chúng tôi bắn súng uy hiếp, bọn chúng đã phải đầu hàng, giải phóng hơn 70 nam nữ thanh niên (nhiều người là phụ nữ đẹp bị tên Thắng và tay chân cướp đi làm tỳ thiếp), thu được bạc vàng và thuốc phiện, thu được nhiều khẩu súng và ngựa chiến”.

Ông Hoàng Ba xúc động nhấn mạnh: “… Tôi là người trong cuộc, tôi biết rõ, nếu không có ông Đốc không thể tiêu diệt được Đảng trưởng Lý Đông A và tay chân của hắn. Bọn Đại Việt Duy Dân này là bọn thân Nhật, chúng hoạt động khoảng từ năm 1940. Khi ta đánh Quốc dân Đảng ở các nơi từ Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ…, bọn Đại Việt Duy Dân cũng bị đánh tơi bời phải chạy lên Hoà Bình với âm mưu thâm độc: liên kết các nhà lang phản động, chiếm Tây Bắc, bắt tay với giặc Pháp. Ông Đốc là người trực tiếp dùng súng bắn chết “Đảng trưởng” Lý Đông A ở Bến Chương, thu cả vũ khí, tiền tài và con dấu”.