Giới thiệu về Nhà Noóc – Tầng lớp nhân dân lao động nuôi sống xã hội Mường
Dưới bộ máy các Ậu là tầng lớp nhân dân lao động- các hộ nhà Noọc( nhà Noóc). Đây là tầng lớp bình dân chiếm số lượng đông đảo nhất trong xã hội Mường.
Tầng lớp bị trị thường có chung một cái tên họ là Bùi, bất kể là những người thuộc chi họ nào đi nữa, vô hình chung Bùi đã trở thành cái tên chỉ định một “đẳng cấp”, một lớp người cố định trong xã hội. Dân Mường thừa nhận sự thống trị của nhà Lang, họ không có ruộng đất của riêng mình, mà chỉ được hưởng một phần ruộng đất công.
Các hộ nhà Noóc phải phục tùng quan Lang và bị khai thác bằng ba dạng lao dịch:
Thứ nhất là Xâu( xâu): hình thức lao dịch tập thể, qua đó các đại diện của mọi hộ nhà Noóc dưới quyền của Lang chủ quản tập hợp nhau lao tác trên một số thửa ruộng Lang, dưới sự kiểm soát của một Ậu anh đặc trách việc này.
Loại thứ hai là No( Nõ): hình thức lao dịch do từng hộ gia đình thực hiện riêng trên một mảnh đất nhỏ ruộng Lang vốn được phân cho mỗi Noóc từ đầu.
Và thứ ba: là hình thức lao dịch không tên trên từng thửa ruộng Lang không dành cho Xâu và Nõ, mà người thực hiện là Con Hâu (con Hầu), đầy tớ ở trong nhà của Lang, mà thân phận nhắc nhớ đến quy chế nô lệ gia đình (vì mắc nợ không có tiền trả hoặc phạm lỗi nặng nên phải gán mình, gán con để trả nợ họ phải làm tất cả mọi việc nhà chủ giao mà không được nhận bất kể một hình thức trả công nào), và Phiên (Phiên) đại diện cho các nhà Noóc đều đặn thay nhau đến lao dịch ở nhà riêng của quan chủ quản.
Ngoài ra những hộ dân này đồng thời phải chịu mọi thứ đóng góp khác: nộp thuế, làm nhà mới cho Lang, đóng góp rượu, thịt, gà… khi nhà Lang có đám cưới hoặc đám ma.
Tầng lớp nhân dân lao động nhà Noóc là tầng lớp nuôi sống bộ máy thống trị, quan Lang trong xã hội Mường trước cách mạng tháng tám (1945).