Đơn vị tổ chức: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường – Mường Studio
Nhà tổ chức: Vũ Đức Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn
Curator: Nguyễn Anh Tuấn
Nghệ sỹ: Đào Châu Hải, Thái Nhật Minh, Phạm Thái Bình, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Quang Tuyến, Kai Hügel, Trần Thị Thu, Trịnh Vũ Hiếu, Vũ Đức Hiếu.
Thời gian làm việc: Từ ngày 6/11 – 15/11.
Khai mạc: 5h30, 15 tháng 11 năm 2013
Triển lãm: Từ 15/11/2013 – 30/11/2013
Địa điểm: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, 202 Tây Tiến, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Giới thiệu chương trình:
Triển lãm KÝ ỨC NHÀ LANG là một chương trình sáng tác và trưng bày nghệ thuật đương đại dựa trên nền ý tưởng và câu chuyện về ngôi nhà Lang – di sản quan trọng của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường bị thiêu hủy sau một vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 24/10/2013. Chương trình là sự hợp tác của Mường Studio – Trung tâm nghệ thuật đương đại trực thuộc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường – với các nghệ sỹ đương đại: nhà điêu khắc Đào Châu Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Thái Nhật Minh, Phạm Thái Bình, Trịnh Vũ Hiếu, Trần Thị Thu, nghệ sỹ Media Nguyễn Quang Tuyến, nghệ sỹ Thị giác người Đức Kai Hügel và sự tham gia của họa sỹ Vũ Đức Hiếu – giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Trong 4 ngày làm việc tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, tiếp xúc và ứng tác tại thực địa hiện trường xảy ra vụ cháy, các nghệ sỹ đã làm những tác phẩm Sắp đặt bằng ngôn ngữ của nghệ thuật Thị giác, nghệ thuật Không gian, Âm thanh, Video Art và điêu khắc, dựa trên nền ngữ cảnh của ngôi nhà Lang bị cháy: không gian, những di vật – bao gồm hiện trường ngôi nhà, hàng khung cột, mảnh vụn từ các hiện vật hư hỏng hoặc từ kiến trúc tường và sàn… Sáng tác của 9 nghệ sỹ được giới thiệu chính thức vào buổi khai mạc triển lãm “Ký ức nhà Lang” tối ngày 15/11 vừa qua, là kết quả của công việc nói trên, đồng thời cũng là thái độ ứng xử đầu tiên của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, các nghệ sỹ muốn nói vơi công chúng về vấn đề di sản, và ước vọng sự tái sinh của ngôi nhà Lang ở hiện tại trong tâm tưởng và ý niệm thông qua các tác phẩm nghệ thuật, cũng như niềm hy vọng vào sự phục hồi thực sự của nó trong tương lai gần.
CÁC SÁNG TÁC của NGHỆ SỸ:
1. ĐÀO CHÂU HẢI:
Tên tác phẩm: Đỏ và Đen
Chất liệu: Pộng, xà nhà cháy, đinh, gỗ, dây bông.
Ý tưởng:
Sáng tác của tôi được cấu tạo bởi những mảnh ghép của phế tích còn lại từ một kết cấu khung gỗ của ngôi nhà Mường sau hỏa hoạn do con người gây ra. Hình tượng tác phẩm như một thông điệp về những vết thương còn lại – trong nhận thức của con người về thái độ ứng xử với di sản và văn hóa truyền thống.
2. THÁI NHẬT MINH,
Tên tác phẩm: “NHỮNG MẢNH VỤN KÝ ỨC”,
Chất liệu: Mảnh đồng cháy, mảnh sứ, dây cước ,
Kích thước: 300x1500x300cm.
Ý tưởng:
“Ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi là công trình kiến trúc nguyên bản của gia đình quan Lang – tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường. Gần 200 hiện vật được Bảo tàng tìm kiếm và sưu tập trong gần 15 năm cũng bị thiêu rụi và chỉ còn là những mảnh vụn trong đống tro tàn.
Trong tác phẩm này tôi tái hiện lại hình ảnh một chiếc Chiêng lớn (vốn rất quan trọng và thiêng liêng trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Mường), từ những mảnh đồng vụn của vụ cháy. Xung quanh là những mảnh vỡ từ các đồ dùng sinh hoạt và thờ cúng bằng sứ, bằng hình thức sắp đặt treo trong không gian, bên cạnh khung nhà Lang bị cháy.
Từ những mảnh vụn đầy xót xa, bên cạnh bối cảnh hiện trường.. tôi muốn gợi lại ký ức và suy nghĩ về những những gì đã có, đã mất và những gì còn lại, nơi người xem. Bất cứ sự hàn gắn hay phục dựng nào cũng không thể vẹn nguyên và toàn bộ tác phẩm như một tiếng Chiêng lớn đang rung lên, vỡ ra trong không gian như muốn gửi gắm đến người xem thật nhiều trăn trở đối với di sản”.
3. TRỊNH VŨ HIẾU
Tên: Ký ức thủy tinh
Chất liệu: Chai thủy tinh, cốc thủy tinh, các mảnh vụn hiện vật.
Ý tưởng:
Lấy những mảnh vụn thu nhặt từ hiện vật từ ngôi nhà Lang bị hủy hoại qua vụ cháy, nghệ sỹ đặt chúng vào trong nhiều cốc thủy tinh, tượng trưng cho các chân cột nhà với mảnh vụn bên trong – ở trong đó chúng không còn sợ bị xâm phạm, hủy hoại bởi tự nhiên và con người. Phía bên trên nghệ sỹ bày đặt loạt chai thủy tinh nhiều màu được đặt trên một mặt nền trong, cả tác phẩm như một mô hình phóng tác của ngôi nhà Lang với chất liệu thủy tinh làm nền – một thứ mong manh dễ vỡ như chính các di sản văn hóa vậy.
4. TRẦN THỊ THU
Tên: Ký ức hiện tại
Chất liệu: Pộng, các mảnh vụn hiện vật.
Ý tưởng:
Nghệ sỹ thu nhặt nhiều mảnh vụn hiện vật từ các khung cửi từng được bày đặt nơi gầm sàn nhà Lang, sắp đặt chúng trên những chiếc Pộng – máng giã lúa của người Mường. Các hiện vật được kết nối với nhau bằng nhiều sợi chỉ màu với ý tưởng liên hệ đến những sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, cũng như bày tỏ sự luyến tiếc với những di sản văn hóa đã bị hủy hoại.
5. NGUYỄN QUANG TUYẾN
Tên: Những gì còn lại của giấc mơ.
Ý tưởng:
Tác phẩm của nghệ sỹ là một Sắp đặt Media (Video và Âm thanh) trong mặt sàn của ngôi nhà Lang. Ba Video được bày đặt (treo) dưới gầm sàn là những hình ảnh Video nghệ thuật được xử lý bằng kỹ thuật quay và dựng video hiện đại để tạo thành những hình ảnh và cảm giác trừu tượng chuyển động liên tục theo di chuyển của khán giả; được phối hợp trên nền hai sáng tác Âm thanh (Sound Compose). Toàn bộ mặt đất gầm sàn được nghệ sỹ trải những mảnh gương vỡ – với ý tưởng gợi lên những cảm giác không gian vỡ vụn, đa diện và nhiều phản chiếu nhiều sắc thái từ môi trường xung quanh.
6. NGUYỄN NGỌC LÂM
Tên: Những bàn tay
Chất liệu: Găng tay lao động, ghim, cành cây, màu acrylic.
Ý tưởng:
Trên bốn thân cây bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn nhà Lang, nghệ sỹ đính lên đó những chiếc găng tay bảo hộ lao động màu trắng, với ý nghĩa bảo vệ và khôi phục một di sản văn hóa phải cần nhiều sự chung tay, chung sức từ xã hội và cộng đồng.
7. Kai Hügel
Tên: Bó lại
Chất liệu: Gỗ cháy, dây cao su màu.
Ý tưởng:
Những vật liệu sử dụng cho sáng tác của nghệ sỹ được thu nhặt ngay tại hiện trường. Gỗ, củi cháy, những thứ bỏ đi được bó lại bởi các dây cao su nhiều màu. Những dây bó sặc sỡ này – thường được dùng để cột hàng hóa khi di chuyển bằng xe máy – lại có sự liên tưởng tới các trang phục nhiều màu của người dân tộc miền núi. Màu sắc của chúng cũng tạo nên sự đối lập nhẹ nhàng với màu đen của củi cháy, là điểm nhấn của sáng tác, cũng có thể tạo ra suy tưởng nhất định tới kiến trúc đã bị hủy hoại.
8. PHẠM THÁI BÌNH
Tên: Bay
Chất liệu: đồng, cột nhà cháy
Ý tưởng:
Trên cây cột cháy, nghệ sỹ gắn hai cánh chim đồng (được cách điệu), có lẽ với suy nghĩ gợi nên một cái nhìn bay bổng từ hiện thực hoang tàn, hoặc đơn giản chỉ là thay đổi sự thẩm mỹ của một vật thể trong khung cảnh đã bị hủy hoại.
9. VŨ ĐỨC HIẾU
Tên: Piêu
Chất liệu: thân cây tre, nứa, củi cháy.
Ý tưởng:
Tác phẩm của tôi là sự kết hợp của các biểu tượng trong văn hóa Mường: Cây nêu – thường được người Mường dựng trước nhà đầu năm mới ; cái vía lúa – được làm sau những vụ mùa thu hoạch, treo ở gác bếp ; Piêu – những hoa văn lục giác dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian được đan bằng tre nứa ; những thanh củi cháy còn lại của cấu trúc ngôi nhà Lang… chúng mang lại những ý nghĩa tổng hòa: cầu mong điều tốt, xua đuổi tà ma, hướng đến những gì tốt đẹp, những giá trị mới ; sự hồi sinh trỗi dậy từ tro tàn, từ những điều rủi ro trong quá khứ.