FESTIVAL VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG
Khai mạc: 8h sáng ngày 30. 9. 2011
Lễ hội sẽ diễn ra trong vòng 1 ngày 30. 9, trưng bày triển lãm nghệ thuật sẽ được lưu giữ liên tục trong thời gian một năm tại Khu trung tâm nghệ thuật mới của Bảo tàng.
Địa điểm: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, tổ 12, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Gần 30 nghệ sĩ, một nửa là điêu khắc, một nửa là họa sĩ, thêm một nhạc sĩ và một kiến trúc sư. Gần hết trong số họ tập trung ăn ở, sinh hoạt, sáng tác tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường từ ngày 15 tới 25. 9. 2011. Họ được “cọ xát” trực tiếp với văn hóa bản làng ở nơi gọi là “thủ đô” của Đất Mường – tỉnh Hòa Bình – nơi nổi tiếng từ xưa với bốn “Mường” chính: Bi, Vang, Thàng, Động. Gọi là “trại sáng tác” thì cũng không hẳn, gọi là “workshop đương đại” thì cũng không lọn nghĩa, gọi là “trại nghệ sĩ lưu trú” thì cũng không đủ. Tôi gọi vui là một cuộc “họa lâm tụ hội” ở xứ Mường; vì có rất nhiều quan hệ dây dính mà tạo nên cái cuộc tập hợp khó gọi tên này, xoay quanh “ông chủ nhà” của cái Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường – họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Triển lãm mang tên Đất Mường ấy sẽ khai mạc đúng ngày 30. 9 này, và các tác phẩm sẽ được trưng bày cố định trong vòng một năm.
Hơn ba tháng trước, họa sĩ Vũ Đức Hiếu mới bắt tay vào thực thi làm một khu vườn điêu khắc, rộng khoảng 1,5ha, tạm gọi là “vườn Mường + điêu khắc hiện nay”. Ý tưởng này được nhà điêu khắc Đào Châu Hải hết sức ủng hộ, cộng với việc tổ chức một lễ hội có những yếu tố sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường có “tương tác” với một số loại hình nghệ thuật đương đại. Anh Hiếu có viết một dự án gộp cả hai công việc này lại với ý định mời Quỹ Đan Mạch tài trợ một phần. Nhưng việc hợp tác này không thành hiện thực. Việc làm vì văn hóa thì dù được tài trợ hay không vẫn cứ phải làm. Anh thổ lộ công việc với một số bậc thầy, anh em, bạn bè quen biết… Lạ thay, hầu hết đều tán thành và ủng hộ, dù những anh em bạn bè ấy vốn có khi rất khác nhau về cách làm việc cũng như quan niệm. Không góp được tiền, họ có thể góp tác phẩm. Và thế là cái “Trại sáng tác Đất Mường ra đời” sau gần 50 ngày chuẩn bị, và hơn 10 ngày “lập trại”.
Nhìn vào danh sách những nghệ sĩ tham gia trại hoặc tham gia góp tác phẩm, ai cũng ngạc nhiên và buồn cười. Bởi chẳng có trại sáng tác nào quy tụ được nghệ sĩ “lắm kiểu” như thế. Có cả những người chớm cao niên, bậc thầy có uy tín từng là giáo sư của Đại học Mỹ thuật Việt Nam và hiện nay đang là thành viên hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật như họa sĩ Lý Trực Sơn, nhà điêu khắc Đào Châu Hải. Có một người chớm cao niên tự do nữa là họa sĩ – nhà điêu khắc gốm Nguyễn Bảo Toàn. Lại có một số nghệ sĩ trung niên hoạt động tự do khá tiếng tăm như họa sĩ Hà Trí Hiếu, Trịnh Tuân, Nguyễn Minh Phước, Trần Đức Sỹ, Vương Văn Thạo (“đóng băng” phố cổ Hà Nội); có những người đang là giảng viên Đại học Mỹ thuật như nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Phạm Thái Bình… Có ba họa sĩ khách mời danh dự như họa sĩ Nguyễn Minh Thành gửi tranh từ Đà Lạt ra, họa sĩ Vũ Thăng gửi tranh từ Sapa xuống, họa sĩ Nguyễn Quang Huy gửi tranh từ Hà Nội lên…
Ngoài ra, còn nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc vẫn đang làm việc rất sung sức, có người lặng lẽ, có người ồn ào. Cả một số sinh viên trẻ mới ra trường và hai nữ họa sĩ “tỉnh nhà” Hòa Bình.
Công việc điều hành tổ chức và bình luận các tác phẩm của trại sáng tác được nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng đảm nhiệm cùng với nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Anh Tuấn… Trong thời gian trại diễn ra mười ngày từ 15 – 25. 9, có một số họa sĩ rất đặc biệt, ẩn mình, đi lên chơi thôi, nhưng nhìn không khí của trại cũng cao hứng, cũng “chơi luôn” và sinh ra một số tác phẩm khá thú vị:
Một số hình ảnh của trại sáng tác Đất Mường:
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương đang vẽ một bức
sơn dầu khổ lớn hai tấm. Một đám đông nhìn từ trên xuống chỉ thấy toàn đầu và những cánh tay gân guốc đang vật lộn. Anh vẽ về cuộc sống “thiên hạ” ở xứ nào?
Một góc tranh của Nguyễn Ngọc Phương
Đây có lẽ nên gọi là tác phẩm “Đá biết bò” của Trần Trọng Tri – một tay điêu khắc trẻ. Anh xâu dây thép qua những viên đá dẹt, tạo thành một “bầy đàn” những “con đá mảnh” đang chuẩn bị trèo lên cây.
Chưa đủ, Tri còn cho đá cục trèo lên cột. Có phải ý anh nói, đá cũng ham “thăng tiến, trèo cao” như người?
Tác phẩm này gọi là “Rồi thời gian đi qua” của nhà điêu khắc Nguyễn Huy Tính. Không hiểu ý anh muốn nói gì?
Nhưng khi có một thiếu nữ xinh đẹp từ Hà Nội lên chơi, phối kết một bộ quần áo thời trang Mường – Mông lẫn lộn, dùng tác phẩm của Nguyễn Huy Tính làm “giàn dáo” trèo lên biểu diễn để chụp ảnh, thì tác phẩm của Tính nom sinh động và dễ hiểu hẳn ra…
Đây là một đàn trâu bằng gỗ của cử nhân điêu khắc mới tốt nghiệp Phạm Văn Tuấn, trâu bằng gỗ nhưng lại làm người ta nghĩ đến những con trâu bằng lá dừa hay lá dứa dại thường được làm cho trẻ chơi. Có người nói vui, tác phẩm của Tuấn dùng để… phơi cái gì lên đó thì rất tiện.
Họa sĩ, nhà điêu khắc gốm Nguyễn Bảo Toàn vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Lên sáng tác ở đây, ông chỉ đủ sức vẽ những bức tranh phong cảnh nhỏ bằng chì than (Nếu mà ông khỏe, thì nguyên liệu gỗ hoặc đất ở Bảo tàng Mường chưa chắc đã đủ cho ông sáng tác).
Ông vẽ được 21 bức phong cảnh chì than, nhưng nét và mảng cây, núi cứ cong cong uốn lượn trông rất kỳ dị. Nhìn xa nom cứ như mặt nạ tuồng. Bảo Toàn gọi đùa rằng đây là “21 phát đại bác hồi sinh” của ông. Tức là những bức vẽ đầu tiên sau khi ông khỏi ốm.
Một thiếu nữ Mường đang nghi hoặc đứng xem 21 bức tranh phong cảnh của Bảo Toàn, không treo lên tường mà treo lơ lửng giữa nhà như một kiểu sắp đặt. Hỏi cô rằng có thích không, cô nói em chỉ thích cái gì là đen – trắng…
Cử nhân điêu khắc trẻ này tên là Lương Văn Trịnh, anh gọi tác phẩm của mình là “Lửa đá”.
Có ba họa sĩ tham gia trại lần này không vẽ mà lại làm điêu khắc. Đó là họa sĩ Hà Trí Hiếu, Nguyễn Ngọc Dân và Nguyễn Tuấn Khôi. Trong ảnh là Nguyễn Tuấn Khôi đang làm cái gì đó với gỗ và đá…
Khi xong, mới hay Tuấn Khôi làm bộ xương mấy con khủng long…
Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm thì làm tới tận 5 cái nhà – cây bằng gỗ
Dựng tác phẩm của Lâm lên khá vất vả, từ giáo sư Đào Châu Hải đến Giám đốc Bảo tàng Vũ Hiếu cũng đều phải xúm vào làm thợ đẩy lên cho anh. May mà không ai bị nhà – cây đè phải…
Họa sĩ Vũ Đức Trung – người rất hay hỏi các thành viên trong trại một câu rằng: “Anh vẽ (hoặc đục, đẽo) như thế này là có ý gì?” đang tỉ mẩn vẽ. Có vẻ như anh cao hứng nên vẽ tận hai bức sơn dầu với bề mặt khá ngon lành. Một bức, anh chọn chính chiếc áo xanh anh đang mặc (trong ảnh này) để vẽ “chân dung cái áo”.
Họa sĩ trẻ Nguyễn Trần Cường, bạn thân của Trung cũng đang chăm chú sáng tác. Có lẽ tên tranh của anh là “Em gái và bình hoa”. Các sắc xanh trong tranh của anh nom rất dễ chịu.
Họa sĩ Lý Trực Sơn, một bậc thầy phát biểu nhiều và được các đàn em trẻ hơn khá trông đợi vào tác phẩm (dễ hiểu thôi, vẽ là một hoạt động cô đơn và phải có không gian riêng, làm chỗ đông người nói ra nói vào như ruồi khó mà bình lặng nội tâm để vẽ hay được. Nhóm trẻ tha hồ “trông đợi” vào đấy mà xí xố…). Trong ảnh, có vẻ như “đôi bạn cùng tiến” này đang thi đua… bóp sơn ra khỏi tuýp rất hăng!
Rồi họa sĩ Lý Trực Sơn đang làm gì tiếp đây? Yên tâm, đó mới chỉ là lớp lót toan thôi.
Đây mới là tác phẩm của Lý Trực Sơn sau khi hoàn thành. Vì chụp trong nhà sàn nên ánh sáng hơi tù mù…
Tranh của một họa sĩ trẻ lên đây chơi, cao hứng mà tham gia vẽ “đôi bạn cùng tiến” cùng lúc với họa sĩ Lý Trực Sơn. Một cành đào xuân nảy một chồi non và những điểm sáng lung linh trong đêm rất tinh tế.
Tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng được “cánh trẻ” trông đợi rất nhiều. Trong ảnh là một “đại công trường” thực hiện tác phẩm Land –Art (sắp đặt địa hình) của ông (chưa xong). Đó là một vòng xoáy lớn bằng đá trên mặt đất. Ở giữa đặt một chiếc cọn nước cũ (guồng xe nước) khổng lồ. Không biết tác phẩm của ông định đặt tên là “bão”, hay “bánh xe luân hồi”? Nhưng trông xoáy xoáy như thế thì chắc cũng là một câu chuyện về thời gian hay thời tiết thì phải…
Trên đỉnh khu vườn Mường. Họa sĩ Vũ Hiếu cho dựng một bể nước lấy nguồn từ trên núi chảy về. Nước rất xanh do đọng rêu. Các nghệ sĩ nhà ta buổi chiều thường nhảy xuống đó tắm và gọi vui là “bể bơi sinh tố”. Rất nhanh tay nhanh mắt, kiến trúc sư Phạm Thái Bình dựng luôn một tác phẩm gọi nôm na là “Lợn nhảy cầu”. Ở trên đỉnh cái cầu gỗ sơn đỏ là 4 chú lợn đúc bằng kim loại, mỗi chú nặng hơn chục cân. Họa sĩ Vũ Đức Trung cũng từng hỏi: “Anh dựng mấy con lợn nhảy cầu thế là có ý gì?”. Tác phẩm của Bình rất “ăn” với quang cảnh và màu sắc xung quanh…
Cử nhân điêu khắc trẻ Đoàn Hữu Ngà treo một số đoạn cây cháy, hai đầu sơn đỏ, mắc bằng dây thép đỏ xuyên qua và buộc vào những cây còn sống xung quanh. Một đời sống tâm linh có những “sợi chỉ đỏ” nối với và ở giữa những đời sống thực. Tác phẩm có “ý gì” rất hay này sẽ còn hay nữa nếu gây được áp chế về thị giác bằng cách… treo nhiều hơn nữa!
Họa sĩ Nguyễn Minh Phước, người đã cùng bạn bè duy trì Ryllega Gallery suốt 5 năm (một gallery chuyên về nghệ thuật đương đại đã từng hoạt động rất hiệu quả ở số 1A Tràng Tiền, Hà Nội) đang sáng tác cùng với một quả bầu khô. Anh cặm cụi gắn từng chiếc đinh vàng lên quả bầu. Trông cách sáng tác cạnh cửa sổ của anh rất giống như một nghệ nhân Mường thực thụ…!
Tranh trên vải bố quấn trục của họa sĩ Vũ Thăng – gửi từ Sapa về. Họa sĩ từng một thời là “thần đồng” thời Hội họa Đổi Mới hiện có hẳn một phòng tranh của riêng mình ở giữa phố Cầu Mây, một con phố chính ở Sapa. Ai lên đó rất nên ghé thăm phòng tranh này.
Họa sĩ Nguyễn Minh Thành với tác phẩm giấy dó gửi từ Đà Lạt ra. Vẫn là những chân dung tự họa đặc trưng dễ nhớ của anh.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Huy, trông mờ mờ thế không phải do ánh sáng trong nhà sàn yếu, mà tranh của anh vẫn mờ mờ thế.
Họa sĩ Doãn Hoàng Kiên, từng là một nghệ sĩ xiếc tài ba, bỏ đi học vẽ và làm phim ngắn. Trong những họa sĩ vẽ tại trại, nom cách anh đứng vẽ là “có phong cách sáng tác” nhất.
Một bữa “đại tiệc đúng chất Mường” do gia chủ khoản đãi các nghệ sĩ trên nhà sàn quan lang hơn trăm năm tuổi. Thức ăn bày trên lá chuối với những chiếc đũa dài gấp đôi bình thường. Được “chén” ngon thế này thì vẽ và làm điêu khắc hay cũng phải…