Bảo tàng tư nhân với vấn đề thu hút khách tham quan: Trường hợp Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường
Họa sỹ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường
Phần mở đầu:
I. Đặt vấn đề:
Sau 12 năm Luật di sản văn hóa có hiệu lực và cho phép thành lập Bảo tàng tư nhân, hiện nay cả nước mới có hơn 10 bảo tàng tư nhân ra đời, trong số đó có rất ít hoạt động đúng nghĩa của một Bảo tàng có các phòng, ban… và cán bộ nhân viên là những người được đào tạo chính quy.
Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế ICOM, bảo tàng là thiết chế tồn tại lâu dài, không vụ lợi nhằm phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa phục vụ cho công chúng và tiến hành nghiên cứu liên quan đến di sản của con người và môi trường xung quanh.
Với Việt Nam: Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội (sau đây gọi là sưu tập) nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân (Luật Di sản văn hóa, 2002).
Như vậy nhiệm vụ của bảo tàng là phục vụ cộng đồng xã hội các nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, các nhu cầu về nghiên cứu, giáo dục đối với di sản của con người và môi trường xung quanh, mà không vì mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ đó là một điều vô cùng khó đối với các bảo tàng tư nhân, chính bởi trong hệ thống bảo tàng Việt Nam có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập, cùng thực hiện những quy định của luật di sản đối với hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng công lập được nhà nước bao cấp, còn bảo tàng tư nhân là “một tổ chức hoạt động về văn hóa phi lợi nhuận, tự chủ về kinh phí hoạt động”
Gần đây nhất, ngày 31-12-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thông tư số 18, quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng.Trong đó điều 12 quy định về hoạt động dịch vụ đối với bảo tàng. Đây có thể nói là chính sách mở đối với hệ thống bảo tàng nói chung và là cứu cánh đối với bảo tàng tư nhân. Cũng chính bởi từ đó bảo tàng tư nhân mới có thể tạo các nguồn thu, nhằm mục đích duy trì hoạt động của bảo tàng, từ đó mới có thể tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm thu hút khách tham quan. Và có khách tham quan thì bảo tàng mới có thể tạo được nguồn thu cho hoạt động. Vì vậy việc thu hút khách tham quan đối với một bảo tàng tư nhân là vô cùng quan trọng, liên quan đến sự tồn tại của bảo tàng.
II.Thực trạng của vấn đề
Hiện nay cả nước có hơn 120 bảo tàng công lập và ngoài công lập. Trong đó bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành và hệ thống bảo tàng tỉnh chiếm số lượng lớn, bảo tàng tư nhân chiếm khoảng 10%. Mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng để thu hút khách tham quan cũng là vấn đề nan giải đối với bảo tàng công lập. Chính vì có quá nhiều bảo tàng nên hiện vật gốc dàn trải, không tập trung, nơi quá thừa, nơi lại quá thiếu. Nhiều bảo tàng muốn tổ chức
trưng bày lại phải đi mượn, hoặc đi thuê lại từ những bộ sưu tập. Kinh phí nhà nước cấp cho hệ thống bảo tàng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng các bộ sưu tập, các triển lãm chuyên đề…và chi trả cho hệ thống cán bộ nhân viên cũng không được tập trung. Nên chăng giảm bớt số lượng bảo tàng trong cả nước, chỉ tập trung vào những bảo tàng chuyên đề phân bổ hiện vật gốc hợp lý và tập trung những người có trình độ quản lý, có chuyên môn cao trong từng lĩnh vực có thể giúp thay đổi thực trạng nhàm chán, sự giống nhau trong hệ thống bảo tàng?
Việc cho phép thành lập bảo tàng tư nhân góp phần xã hội hóa văn hóa, thúc đẩy nhận thức của cả xã hội. Đây cũng là một hướng đi mới có thể tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn cao là chủ của các bộ sưu tập, nhà nước không phải trả lương, không phải bỏ kinh phí để sưu tầm hiện vật. Tự họ, những người sở hữu các bộ sưu tập đã là những người mong muốn gìn giữ những gì là di sản của dân tộc và họ đều mong muốn truyền bá văn hóa đó ra cộng đồng. Tùy theo từng mô hình hoạt động sẽ có những cách tiếp cận đến cộng đồng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Điều đó rất khó đối với một bảo tàng công lập khi mà bị giới hạn trong việc không chủ động trong việc thu, chi hay hoạt động của chính họ.
III.Giải pháp
Tôi xin dẫn chứng việc hoạt động của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường trong thời gian qua. Là một trong những bảo tàng tư nhân sớm được thành lập. Bảo tàng đã triển khai và phát triển theo quan niệm mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của bảo tàng hiện nay. Đưa bảo tàng đến với đông đảo công chúng, làm cho bảo tàng không bị bó hẹp, khô cứng. Với quan điểm trong một thời gian ngắn khách tham quan có thể hiểu về văn hoá của dân tộc Mường bằng cách: Mọi người không chỉ nhìn, ngắm, xem mà còn được thật sự hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Mường (được mời từ các vùng Mường ra sinh sống) như: làm nương rẫy, xay giã gạo, dệt vải quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, hòa mình vào không khí âm nhạc lễ hội, chơi các trò chơi dân gian Mường.
Bảo tàng lấy “Không gian Văn hóa Mường” làm trung tâm, nên cách trang trí bầy đặt đơn giản, gần gũi không cầu kì, nhưng tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất (hàng rào, đường đi, sắp đặt đồ đạc, bàn thờ thổ công) cũng đều nhằm phản ánh, tái hiện những nét văn hóa đặc trưng cơ bản của dân tộc Mường: kinh tế, đời sống xã hội, phong tục tập quán – một xã hội Mường thu nhỏ.
Bên cạnh công tác trưng bày như một bảo tàng sống, chúng tôi liên tục tổ chức các hoạt động như:
– Kết nối nghệ thuật với cộng đồng (nghệ sỹ gặp gỡ người dân vẽ trực họa và trưng bày tại Bảo tàng).
– Kết hợp với các trường đại học ở Hà Nội tổ chức chương trình tình nguyện viên sinh viên.
– Kết hợp với các trường Amsterdam, Marie Curie, Academy…
– Tổ chức các chương trình giáo dục văn hóa và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
– Hướng dẫn cộng đồng dân cư quanh khu vực bảo tàng về cách sử dụng thuốc Tây.
– Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
– Tuyên truyền về HIV.
– Tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh Tây Tiến.
– Trưng bày về cây thuốc của người Mường.
– Tổ chức hội thảo Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình (tổ chức VPSSP Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân).
– Kết hợp với các đài truyền hình VTV, VTC, HTV… làm các chương trình phim tài liệu, nghiên cứu, và quảng bá hình ảnh về văn hóa Mường như Lễ mộ thố, Lễ mát nhà, Lễ đắp bếp…
Năm 2011, Bảo tàng Mường mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nghệ thuật đương đại, thành lập Trung tâm Nghệ thuật Mường (Mường Studio) nhằm tạo một không gian hoạt động nghệ thuật cho nghệ sỹ, đồng thời tổ chức các sự kiện Workshop và chương trình Nghệ sỹ lưu trú (Artist Residence) cho nghệ sỹ trong nước và quốc tế. Chương trình đầu tiên của Mường Studio là tổ chức Trại sáng tác nghệ thuật Đất Mường I, diễn ra từ ngày 15 đến 25 tháng 9 năm 2011 với sự tham gia 31 họa sỹ và nhà điêu khắc. Trại sáng tác Đất Mường II là sự kiện tiếp nối cho chương trình năm 2011, và được Bảo tàng Mường đưa thành một hoạt động diễn ra mỗi năm một lần từ nay về sau. Chương trình có các mục tiêu sau:
– Mục tiêu nghệ thuật: tạo ra một không gian sáng tác chung cho các nghệ sỹ trong nước và quốc tế, đồng thời là hoạt động thường niên của Trung tâm Nghệ thuật Mường. Nghệ sỹ đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau cùng làm việc trong một không gian chung, là cơ hội lớn để trao đổi về nghề nghiệp, quan điểm sáng tác nghệ thuật và gây dựng các mối quan hệ tương lai. Đây cũng là việc thúc đẩy sự hình thành và hoạt động thường xuyên cho Trung tâm Nghệ thuật Mường trở thành một điểm đến về nghệ thuật đương đại tại những địa phương như Hòa Bình.
– Mục tiêu cộng đồng: Diễn ra trên vùng đất Mường cổ, trại sáng tác là dịp giao lưu – tương tác về văn hóa và nghệ thuật giữa nghệ sỹ, nghệ nhân và người dân trong vùng. Nghệ sỹ sáng tác, đặc biệt trong các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt ngoài trời, với sự hỗ trợ của những nghệ nhân và người dân bản địa. Nghệ nhân và người dân vừa theo dõi, vừa tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo nghệ thuật cùng với nghệ sỹ. Các hoạt động có tính tương tác trực tiếp như vậy giúp tăng cường sự hiểu biết, tính giáo dục và nâng cao thẩm mỹ-văn hóa cho bộ phận dân cư trong vùng, cũng như cho cả nghệ sỹ đưa nghệ thuật thực sự gia nhập vào đời sống, có tính tác động tích cực về nhiều mặt và trở thành một bộ phận trong đời sống sinh hoạt văn hóa của địa phương. Việc kết nối nghệ sỹ với các hoạt động bên lề sáng tác như du ngoạn bản Mường, tham dự những lễ hội Mường truyền thống của Bảo tàng góp phần tăng cường hiểu biết và quảng bá về nền văn minh Mường cổ, đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn hóa cũng như bảo lưu sức sống của nền văn hóa Mường cổ khi cho nó thêm cơ hội sống lại trong những hoạt động đương thời và khi được đặt cạnh bên những tác phẩm nghệ thuật đương đại.
– Mục tiêu trao đổi và thúc đẩy phát triển văn hóa & du lịch: Các hoạt động nghệ thuật, Trại sáng tác, các nghệ sỹ đến làm việc đã để lại nhiều tác phẩm tại không gian trưng bày của Bảo tàng Mường, mở ra một khu vực dành riêng cho nghệ thuật đương đại trong khuôn viên bảo tàng. Những tác phẩm nghệ thuật sau đó đã thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách đến từ nhiều nơi trên tổ quốc, đặc biệt là nhóm Sắp đặt và Điêu khắc ngoài trời gây ấn tượng mạnh mẽ đến người xem. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển về văn hóa địa phương, trong nỗ lực tìm ra điểm giao thoa giữa văn hóa vùng và dân tộc với nền văn hóa đương đại, cũng như đẩy mạnh công tác du lịch của Hòa Bình.
IV.Kết quả
Từ khi thành lập đến nay, qua 5 năm hoạt động bảo tàng đã thu được những kết quả nhất định:
– Tạo được công ăn việc làm ổn định cho một số người dân lân cận.
– Đã chỉ ra được những giá trị và tôn vinh nền văn hóa của dân tộc Mường đã có từ lâu đời thông qua các chương trình hội thảo, tổ chức sự kiện
– Góp phần nâng cao được nhận thức trong cộng đồng dân cư giúp cho họ hiểu rõ hơn những tài sản họ đang sở hữu như kiểu kiến trúc nhà sàn, sinh hoạt tín ngưỡng, các nghề thủ công, truyền thống… Thấy được tầm quan trọng trong cộng đồng dân cư nhằm làm cho Văn hóa của người Mường có điều kiện để duy trì bảo tồn và nảy nở trong đời sống dân tộc nói chung và người Mường nói riêng.
V.Bài học kinh nghiệm
Mục đích lớn nhất của mọi bảo tàng trên thế giới là học và chơi, mà tốt nhất là học thông qua chơi. Để muốn làm được điều đó bảo tàng phải là một cơ sở khoa học chắc chắn, hiện vật phải là bản thật, phần đã được nghiên cứu phải được khẳng định, phần chưa được nghiên cứu, chưa được khẳng định phải nói rõ như vậy, và bảo tàng phải là một cơ sở khoa học khách quan, không thiên kiến về bất cứ một khuynh hướng nào. Thực tế như thế nào bảo tàng phải nghiên cứu và sưu tầm như vậy.
Bảo tàng, thực sự hấp dẫn khi nó phản ánh mọi mặt của xã hội một cách chân thực. Cần thiết phải thể hiện được xã hội một cách toàn diện, những gì khó thấy trong thực tế thì sẽ thấy trong bảo tàng. Thay đổi việc phản ánh một chiều, như lâu nay đã làm. Tôn trọng khách tham quan bằng những hiện vật gốc, thay đổi cách thức trưng bày tạo sự hấp dẫn, thường xuyên tổ chức chương trình, sự kiện mới liên quan đến nội dung hoạt động của bảo tàng.
Thu gọn hệ thống bảo tàng thành các bảo tàng chuyên đề, phản ánh đầy đủ mọi mặt của xã hội, tập trung cho nghiên cứu sâu vào các chuyên đề đó. Kết hợp với du lịch để bảo tàng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người xem.
VI.Kết luận vấn đề
Để cộng đồng xã hội quan tâm và đến với bảo tàng không chỉ là nhiệm vụ từ chính các bảo tàng. Chúng ta cần có những chương trình giáo dục khách tham quan cho việc đến thăm các bảo tàng như một thói quen từ nhỏ. Các chính sách liên quan đến bảo tàng phải đi sát với nhu cầu thực tế của bảo tàng, là một tổ chức hoạt động về văn hóa phi lợi nhuận bảo tàng cần những chính sách hợp lý về thuế cho việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, phục vụ cho hoạt động của bảo tàng. Nên có những hỗ trợ ban đầu cho việc hình thành các bảo tàng tư nhân như đất đai hay một phần kinh phí cho việc hoạt động, đồng thời có những chính sách đặc biệt ưu tiên đối với các tổ chức kinh tế có phần đóng góp, hỗ trợ cho các tổ chức văn hóa hay bảo tàng như giảm thuế, và hưởng những ưu đãi khác.
Chúng tôi hy vọng sẽ có những thay đổi trong thời gian tới, để không chỉ bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập, các tổ chức văn hóa sẽ có cơ hội hoạt động tốt hơn, phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng, xã hội.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Vũ Đức Hiếu – Muong.vn