ANTĐ – Bạn bè vẫn quen gọi họa sĩ Vũ Đức Hiếu với biệt danh Hiếu Mường. Còn tôi muốn gọi anh là kẻ mộng mơ giữa núi đồi.
Những gì còn sót lại của ngôi nhà Lang bị cháy
Cô đơn trên đường vắng
Nếu không mộng mơ, tôi nghĩ ít ai lại từ bỏ một cuộc sống nơi thị thành, mảnh đất Hà Nội phồn hoa để kéo cả gia đình về đây, bên vạt đất ven đường Tây Tiến (Hòa Bình) mà dồn sức dồn của lập bảo tàng tư nhân. Nếu không mộng mơ, nếu không mê cảnh mê vật xứ Mường thì mấy ai dành suốt 15 năm trời lặn lội khắp 4 xứ Mường: Bi, Vang, Thàng, Động để sưu tập từng đồ vật gắn với sinh hoạt của người Mường… 15 năm sưu tập, 15 năm gắn bó, không quá dài, nhưng nó chất chứa bao công sức, bao ân tình.
Và quan trọng nhất, ngôi nhà Lang và những đồ vật ấy, nó thấm đẫm hồn đất, hồn người xứ Mường. Nó chất chứa những câu chuyện về văn hóa và đời sống. Rộng hơn, nó là một phần của lịch sử. Sự mộng mơ ấy cũng có lúc có người bảo là hâm, là dở, là gàn. Những lúc ấy, Hiếu Mường nghe đấy mà cũng bỏ đấy. Chỉ anh mới hiểu lòng mình.
Chỉ anh mới nhận được lựa chọn của mình là đúng. Vì thế, mỗi lần gặp Hiếu Mường, tôi cảm nhận thấy sự cô đơn của anh. Cô đơn, bởi anh đang đi trên một con đường vắng. Con đường mà nhiều khi chỉ thấy mỗi bước chân mình, nhịp đập của trái tim mình giữa mênh mông núi đồi, giữa vô vàn những vật dụng mang hồn cốt của người Mường…
Bật khóc khi nghe tin nhà Lang cháy
Đúng 2 năm trước, tháng 10-2013, Hiếu Mường đã bật khóc khi nghe tin ngôi nhà Lang duy nhất của người Mường ở Hòa Bình nằm ở vị trí đẹp nhất của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã bị cháy, bởi một nhóm du khách vô ý. Hôm ấy, Hiếu Mường đang đi công tác ở nước ngoài. Anh đã lập tức rút ngắn thời gian của chuyến đi để trở về. Đứng trước ngôi nhà Lang yêu dấu hơn 100 năm cháy trơ khung cột, dưới sàn tàn than đen kịt, Hiếu cảm thấy mình đã bị mất đi một báu vật quá lớn lao.
Hiếu kể, trong qúa trình đi sưu tập những vật dụng truyền thống của người Mường ở Hòa Bình, khi đến Mường Chậm, anh đã nhiều lần đến với ngôi nhà Lang này. Mường Chậm là một trong những mường cổ của xứ Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Con cháu của Lang là một bà cụ đã ngoài trăm tuổi, ngôi nhà có cách đó 4-5 đời, ước tính hơn 100 năm tuổi.
Anh mơ ước đưa được ngôi nhà này đặt trong không gian bảo tàng của mình ở số 202 đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Vất vả lắm anh mới làm cho hậu duệ của Lang hiểu được rằng việc mua bán này nhằm bảo tồn và lưu giữ ngôi nhà, kết quả ngoài mong đợi, chủ nhà đã tập hợp nhóm dựng nhà giỏi nhất của Mường giúp Hiếu dựng lại ngôi nhà bề thế với 7 gian 2 chái, 14 cột gỗ người ôm không xuể. Được ngôi nhà này, Vũ Đức Hiếu mừng chảy nước mắt, mất ăn, mất ngủ nhiều đêm liền.
Khi đưa được ngôi nhà Lang độc đáo và duy nhất này về bảo tàng, Vũ Đức Hiếu rất tự hào. Những đồ vật của người Mường mà anh sưu tập bấy lâu nay, cái gì quý và phù hợp với nhà Lang, anh đều bày biện ở đây. Tất cả, có khoảng gần 200 hiện vật. Du khách đến Bảo tàng được anh và nhân viên giới thiệu tỉ mỉ, để mọi người hiểu được giá trị của ngôi nhà, của từng vật dụng gắn bó với đời sống người Mường.
Bây giờ, hơn 700 ngày đã trôi qua. Đó cũng là hơn 700 buổi sáng – trưa – chiếu – tối Hiếu Mường cứ thơ thẩn ngẩn ngơ trước những di vật còn lại của nhà Lang sau vụ cháy. Hiếu nói với tôi rằng, anh tin vào quan niệm của người Mường, trong ngôi nhà quan trọng bậc nhất là cái cột. Cột còn thì có nghĩa ngôi nhà còn. Từ suy nghĩ ấy, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang nỗ lực phục dựng lại ngôi nhà Lang truyền thống thông qua các hoạt động nghệ thuật.
Giấc mơ hồi sinh
Đầu tiên là sự kiện nghệ thuật đương đại được tổ chức mang tên “Ký ức nhà Lang”. Hiếu bảo, anh muốn thông qua đây để kể lại câu chuyện về ngôi nhà Lang: nguồn gốc, lịch sử, giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa, ký ức và kỷ niệm của nó trong lòng du khách, người dân, và những di vật – những gì còn sót lại của nhà Lang sau đám cháy ngày 24-10-2013.
Hoạt động chính của chương trình gồm có triển lãm nghệ thuật Sắp đặt (Installation), nghệ thuật địa hình (Site-specific), sắp đặt video và âm thanh, và triển lãm ảnh “Ký ức nhà Lang”. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cùng các nghệ sĩ hợp tác trong việc đưa hoạt động nghệ thuật đương đại tham gia trực tiếp vào câu chuyện văn hóa
– di sản để từ đó cất lên tiếng nói với công chúng và xã hội.
Rồi sau đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một triển lãm ảnh khác cũng lại được mở ra. Đặt tên triển lãm ấy, Hiếu đã cài đặt ngay một hy vọng: “Giấc mơ hồi sinh”. Đến triển lãm, người ta không chỉ xem những bức ảnh đa dạng, mà còn có thể mua các sáng tác này. Tiếp đó là “Giai điệu núi đồi” có sự kết hợp giữa triển lãm sắp đặt và thời trang. Và bây giờ, được sự ủng hộ của các họa sĩ đương đại, Vũ Đức Hiếu đang có trong tay 54 tác phẩm hội họa, điêu khắc. Họ tặng Hiếu, vì cũng mong muốn sớm được nhìn thấy ngôi nhà Lang – một báu vật của người Mường Chậm – được dựng lại.
Hỏi bao nhiêu tiền thì đủ để dựng lại nhà Lang? Vũ Đức Hiếu bấm đốt ngót tay nhẩm tính: Khoảng 500 – 600 triệu đồng. Số tiền ấy không quá lớn với các doanh nghiệp. Nhưng nó rất lớn với một nghệ sĩ lập bảo tàng tư nhân như Hiếu giữa núi đồi Hòa Bình. Nhưng anh vẫn tin, cộng đồng sẽ giúp anh có thể dựng lại ngôi nhà Lang trong thời gian tới… Tôi tin, lần này thì điều ước của kẻ mộng mơ giữa núi đồi sẽ thành hiện thực.