Cứ vào mùng 7 tháng giêng hằng năm, trên các nẻo đường của xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) lại nhộn nhịp, rộn ràng từng dòng người đổ về các đình làng để được dự lễ Hạ nêu của đồng bào dân tộc Mường. Hàng trăm thiếu nữ dân tộc Mường xúng xính trong trang phục truyền thống đầy sắc màu náo nức bước vào ngày hội đầu tiên trong năm.
Lễ Hạ nêu hay còn gọi là lễ Khai hạ, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Mường trong một năm. Để chuẩn bị cho ngày lễ này, đồng bào Mường thường chuẩn bị từ những ngày cuối cùng của năm trước. Bà Bùi Thị Hạnh ở thôn 3, xã Hòa Thắng, cho biết: đây là phong tục truyền thống của cha ông, luôn được gìn giữ và phát huy kể từ khi đồng bào dân tộc Mường ở phía Bắc bắt đầu vào vùng đất Tây Nguyên này khai hoang và lập nghiệp từ cách đây hơn 50 năm về trước. Bắt đầu từ 25 tháng chạp, ngay tại đình làng, ông chủ đình sẽ làm lễ Hạp ấn, có ý nghĩa là đóng cửa rừng, chặt những cây nêu trồng trước sân đình và trước cửa nhà của mỗi gia đình. Sau đó mỗi gia đình thực hiện các phong tục như nướng heo, gói bánh… Từ mùng 1 đến mùng 7 Tết là khoảng thời gian mà người dân được vui xuân, nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Và tới giữa đêm mùng 6, rạng sáng ngày mùng 7, ông chủ đình bắt đầu làm lễ động thổ với nghi thức cuốc đất đầu năm. Sau ba tiếng trống làm lễ động thổ thì mọi người trong làng đều đến sân đình, đánh cồng chiêng vui chơi và chuẩn bị làm lễ Hạ nêu. Đến 9 giờ sáng ngày mùng 7 thì làm lễ cúng Hạ nêu.
Việc chuẩn bị cho ngày lễ Hạ nêu công phu là vậy, thì đến ngày lễ chính việc tổ chức lễ vừa trang nghiêm lại không kém phần sôi nổi. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ đình Thịnh Lang thì, ngày lễ Hạ nêu bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra ngay tại đình làng, ông chủ đình sẽ làm lễ cúng thành hoàng làng bản thổ theo truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc Mường với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân trong làng được bình an mạnh khỏe và một năm tốt đẹp. Tiếp đó là phần cầu mùa, ông chủ đình sẽ thay mặt toàn bộ người dân trong làng thực hiện các nghi lễ cúng các vị thần nông cùng các lễ vật được làm từ xôi, heo, gà… và các phần lễ cúng phải được đặt trên lá chuối xanh. Với lời khấn là thay mặt người nông dân xin các ông thần nông một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, nước vào đầy ruộng, mọi vật sinh sôi, người người khỏe mạnh, xóm làng bình yên no ấm… Còn phần hội bắt đầu bằng nghi thức khi ông chủ đình sẽ ném trái còn đầu tiên rồi mọi người liền hào hứng tham gia các trò chơi. Phần hội chủ yếu là các trò chơi dân gian nhằm giữ gìn các nét đẹp dân tộc như đô vật, kéo co, ném còn, đập lu, nhảy bao bố, leo cột mỡ. Mỗi năm, hàng trăm nam thanh, nữ tú trong các bộ trang phục truyền thống ở các làng Mường trên địa bàn như: Mường Bi, An Phong, Thạch Yên… đều rất hồ hởi tham gia các trò chơi này.
Ông Nguyễn Văn Lập, trưởng ban tổ chức lễ hạ nêu làng Mường Thịnh Lang bày tỏ: phần hội của ngày lễ luôn thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Nhưng thu hút người đón xem và cổ vũ nhất chính là màn kéo co khai hội của các cụ ông, cụ bà. Điều này thể hiện sự cổ vũ con cháu trong làng giữ gìn nét truyền thống của cha ông, tổ tiên truyền lại và bắt đầu một năm chăm chỉ lao động sản xuất, ai ai cũng có sức khỏe tốt và cùng nhau đoàn kết sinh sống chan hòa trong cộng đồng.
Không những thu hút đông đảo người dân tham gia, lễ Hạ nêu còn là dịp để khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi và tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường tại đây. Ông Kawamata Takayuki, du khách người Nhật Bản tâm sự rằng đây là lần đầu tiên ông được tham dự một ngày lễ đầy bản sắc của người Việt Nam, lễ Hạ nêu này có nhiều điểm giống với các ngày lễ vui xuân của người Nhật, cũng có phần lễ và các trò chơi truyền thống nên ông rất vui và có cảm giác rất thân thuộc khi được vui xuân tại đây.
Vừa chơi ném còn với bạn bè xong, em Nguyễn Thị Ngọc Vân, sinh viên năm 2, Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Tây Nguyên hào hứng: “Là con em của dân tộc Mường, được góp một phần gìn giữ những nét truyền thống của dân tộc Mường trong các lễ hội từ đó giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên em rất vui. Và mỗi lần được tham gia lễ hội trong em đều có một cảm giác vui khác nhau nhưng càng lớn tuổi hơn thì càng cảm thấy tự hào vì dân tộc mình vẫn còn lưu giữ được những nét bản sắc văn hóa như thế này”. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Việt kiều Mỹ về quê ở làng Mường Thịnh Lang đón xuân, cũng quần lụa đen, áo trắng, yếm thổ cẩm, không giấu được niềm xúc động: “Năm nào tôi cũng về quê và tham gia lễ hội này. Mỗi lần về lại thấy cảm giác rất vui, háo hức và hồi hộp, vì đã gặp lại những hình ảnh mà ngày xưa mình đã từng trải qua rồi. Làng Mường mang những nét bản sắc riêng mà nơi khác không có”. Theo bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, hiện trên địa bàn xã có hơn 1.200 hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Đã thành lệ, cứ vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm, đồng bào Mường lại tổ chức ngày lễ Hạ nêu tại các đình làng như: Lạc Sơn, Cao Phong, Thịnh Lang… Đây là một nét đẹp văn hóa luôn được đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại đây gìn giữ và phát huy. Lễ hội cũng là dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước, con cháu đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống ở nước ngoài về chung vui và tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường trên mảnh đất cao nguyên này.
Hoàng Gia