Một cuộc đấu trí, cuộc đấu khẩu đã thể tài năng, khí phách của vị chỉ huy “quá trẻ” vốn là con nhà quan lang Đinh Công Đốc. Viên sỹ quan Nhật đầy bản lĩnh, cũng rất là nghĩa tình, ngay cả trong lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến, khi mà đoàn binh của người Nhật đang bị giải giáp ê chề. Hắn vô cùng ái mộ Đinh Công Đốc, hắn đã có ảnh ông và xin phép được lưu giữ làm kỷ niệm, hắn đã muốn chụp ảnh ông để mang về nước Nhật khoe với bà con của hắn, rằng “tướng Việt Minh” có một người trẻ mà nghĩa khí và tài năng như thế. Nghe ông Đốc và những người biết chuyện ở xứ Mường kể về những cuộc ông Đinh Công Đốc quả cảm, kiêu hùng gặp gỡ, thu phục nhân tâm các chiến binh Nhật hoàng rồi khiến họ phải nghiêng mình kính nể, chúng ta càng mới lý giải được: là vì sao có một người tên là I Si đã kết nghĩa anh em với Đinh Công Đốc, đã cải tên họ thành Đinh Công Minh, dù hơn tuổi ông Đốc cũng vẫn xin làm vai “em”; và rồi, người anh em “Kết nghĩa vườn đào” ấy đã quên thân mình để cứu ông Đốc giữa làn đạn bất toàn thây của kẻ thù (chuyện sẽ được kể chi tiết ở phần sau).
Sự “sùng bái” của viên quan Năm người Nhật với “ông Tướng trẻ” Việt Minh
Sau khi cử ông Sa Văn Minh làm chủ tịch lâm thời huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tưởng được nghỉ ngơi vài giờ trước khi cất bước phong sương, chợt chỉ huy Đinh Công Đốc nhận được thư. Chiều ấy có một đoàn kỵ binh Nhật từ con đường Lào về, qua bản Vặt, có mấy người dừng lại vào gặp bác Sa Văn Minh. Tên người Nhật độ trạc 40 tuổi, người vừa phải tầm thước, đeo lon quan 5 Nhật, người đi theo cũng trẻ mặc binh phục Nhật làm thông ngôn (phiên dịch) cho hắn ta, tay thông ngôn chắc là người Việt.
Sau khi trao đổi với ông Sa Văn Minh xong, ông Minh đến Đinh Công Đốc: hắn ta muốn gặp ai là “Tướng Việt Minh” ở đây. Lúc đó, anh Tình, anh Ty (cán bộ Việt Minh) bảo ông Đốc ra tiếp. Khi gặp, tên người Nhật bảo ông Sa Văn Minh là cho phép hắn và “tướng trẻ” (cách gọi của viên sỹ quan Nhật) Đinh Công Đốc nói chuyện ở phòng riêng.
Ông Đốc kể trong hồi ký, như sau: Khi vào câu chuyện, hắn hỏi, thưa ông, chính ông là”người cầm đầu Việt Minh ở đây” phải không? Trên ông có còn ai ở đây không? Đinh Công Đốc nói đanh thép: tôi là người chỉ huy cách mạng đi cướp chính quyền ở vùng này, nên tôi đã cho phép ông gặp tôi như nguyện vọng của ông. Còn ông, ông muốn hỏi việc gì nữa thì ông cứ nói, xin ông chớ vòng vo “đánh giá”. Câu nói của ông Đốc đã làm cho viên sỹ quan Nhật giật mình và bắt đầu thận trọng hơn. Hắn ta nói: Xin lỗi ông, tôi thấy ông còn trẻ quá nên tôi mới hỏi như vậy. Năm nay ông bao nhiêu tuổi, xin ông cho tôi được hân hạnh biết tên ông. Lúc ấy ông Đinh Công Đốc tự cật vất mình, nghĩ: câu hỏi này hơi hóc búa, nếu mình nói tên thật thì có an toàn cho mình và cho hoạt động sau này không? Nhưng, nếu mình không nói tên thật ra, ngộ nhỡ bác Sa Văn Minh đã nói ra với hắn về mình rồi, hắn đã biết tên tuổi mình rồi thì…thành ra mình là kẻ nói dối, là đồ hèn! Ông Đốc bèn dõng dạc: Tôi là Đinh Công Đốc, 21 tuổi. Hắn tiếp: Xin lỗi ông, có phải ông là người trong ảnh đang luyện quân ở chiến khu, mà chính người bạn cấp dưới của tôi đang đóng quân ở Suối Rút đã cho tôi xem, hôm nay tôi thấy ngờ ngợ nên tôi mới mạn phép hỏi ông kỹ càng như vậy (vừa nói, viên sỹ quan vừa chìa tấm ảnh ra, khiến ông Đốc giật mình, hóa ra Việt gian vẫn theo dõi và gửi ảnh, thông tin về ông Đốc cho chỉ huy quân đội Nhật!). Tôi cũng xin tự giới thiệu, tôi là quan Năm chỉ huy sư làm đường Xiêng Khoảng (một tỉnh Bắc Lào, giáp với Mộc Châu của Sơn La – Đ.D.H), bản doanh của tôi ở Mộc Châu. Tôi được lệnh đầu hàng của quân đội Nhật, tôi vừa đi Sầm Nưa (Lào) về để rút dần quân về đây và chuyển về xuôi.
Viên quan năm Nhật quay sang hỏi ông Đốc về cái cách ông Đốc và những người Việt Nam nhìn nhận quân đội Nhật đang có mặt trên đất Việt Nam: Ông Đốc nói: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật không có gì ác cảm với nhau. Họ đều là những người lương thiện. Còn quân đội Nhật trước đây là quân đội phát xít đi xâm lược. Dân tộc Việt Nam đứng về phe đồng minh chống phát xít thì quân đội Nhật lúc ấy là kẻ thù. Nhưng nay quân đội Nhật đã hàng, hạ súng từ bỏ xâm lược không còn can thiệp vào công việc của cách mạng và nhân dân Việt Nam thì không coi là kẻ thù nữa mà coi là những con em nhân dân Nhật.
Hắn hỏi tiếp: Việt minh và Mặt trận Đồng minh là gì; ông Đốc đối đáp rành rọt: “Mặt trận Việt Minh là mặt trận thống nhất toàn thế dân tộc Việt Nam đứng trong mặt trận Đồng minh của thế giới đã công bố ở Hiến chương Liên hiệp quốc và đã được công nhận. Mặt trận Việt Minh là một bộ phận khung trong toàn thế giới chống phát xít trước đây”. Nghe đến đây, viên sỹ quan tỏ ra cảm kích vô cùng, hắn nói:
“Tôi muốn chuyển hết quân đội của tôi về xuôi. Chúng tôi bàn giao toàn bộ kho tàng của chúng tôi ở Mộc Châu này cho các ông, khi quân đội Đồng Minh vào đây, các ông trao lại cho họ có được không?”.
Ông Đốc nhận lời, viên sỹ quan vẫn xúc động, đề nghị một việc “tày trời”: “Như tôi chẳng hạn, nếu tôi muốn ở lại cùng các ông, tham gia (mặt trận Việt Minh với các ông – Đ.D.H) có được không?”. “Việc này tôi không dám quả quyết, vì nó thuộc phạm vi quốc tịch và quốc gia, nếu ông mà muốn ở lại, tôi nghĩ ai cũng hoan nghênh, nếu thực tâm, ông đi xuống phía dưới (về xuôi) gặp cấp trên của chúng tôi, ông sẽ được tạo điều kiện. Còn tôi, tôi không dám nhận”. Thế rồi, viên sỹ quan Nhật rút trong túi ra một mảnh bản đồ quân sự, hắn chỉ vào đó và nói: Đây là khu vực cách Sầm Nưa (Lào – Đ.D.H) độ 10km. Nơi này, còn độ 200 tàn quân của Pháp đang đóng ở đó được tàu bay Mỹ cung cấp võ khí và vật dụng chiến tranh. Nếu quân đội Nhật không hàng, tôi đã cho quân vào truy quét. Nhưng chúng tôi đã hết trách nhiệm ở đó. Tôi báo cho ông biết để ông hiểu và đối phó. Khi đó, ông Đinh Công Đốc cũng lấy bản đồ từ trong cặp tài liệu của ông ra, là bản đồ quân sự lấy được của tàn quân Pháp vừa rồi. Rất tỷ mỷ. Tên quan Năm Nhật trông thấy, có vẻ đăm chiêu: khi dứt lời ra về, hắn dặn: ngày mai ông lên gặp tôi để lập danh sách kho tàng và làm thủ tục bàn giao.
… “Khi tôi lên, hắn tỏ vẻ hài lòng, ra cửa đón. Hắn nói: tôi cứ chờ ông mãi, tưởng ông không lên, ông lên hơi muộn, việc bàn giao kho tàng để ngày mai, ông cùng tôi ăn bữa cơm Nhật. Tuy không đủ vị như bữa cơm Nhật thật sự, nhưng cũng gọi là để ông hiểu người Nhật sinh hoạt như thế nào. (…) Hắn nghe được tiếng Việt, nhưng chưa nói được. Hắn cởi mở, hắn nói: Tôi ở nhà bên Nhật đã có 2 người con, mà tôi đến đây là chốt cuối cùng xa nhà, xa đất nước Nhật là đã 4 năm nay. Đã ở Singapore, Mã Lai, vào Thái Lan, về Nam Kỳ, ra đây đã 5 tháng, bây giờ chấm dứt cái bước phiêu liêu, mai mốt gần đây sẽ về nước Nhật. Rồi sẽ từ giã cái nghề quân sự, cái nghề rong ruổi chóng già hay sẽ bị tàn phá thế này, nếu không chết. Lúc chia tay, hắn (tên người Nhật – Đ.D.H) tặng tôi một con ngựa rất đẹp. Hắn đi rồi, tôi vẫn ghì cương ngựa nhìn theo. Đi được 200m, hắn lại quay ngựa lại nói với tôi vài câu rất tình nghĩa bằng tiếng Việt lơ lớ mới học được”.
Chuyện “thế mạng” khó tin về một người Nhật mang họ Mường
Cô giáo Đinh Lâm Oanh rưng rưng xúc động mỗi lúc nhắc đến cái tên “bác I Si”. Ông I Si sinh năm 1923, hơn bố cô giáo Oanh (ông Đốc) 2 tuổi, khi Kết nghĩa Vườn Đào với người chiến binh vốn đứng ở bên kia chiến tuyến với mình, quá cảm kích trước một nhân cách Mường “văn võ song toàn”, I Si cứ nằng nặc nhận là vai em của Đinh Công Đốc. I Si xin phép gia tiên nhà ông Đốc, xin đặt tên “Mường” là Đinh Công Minh.
Cô giáo Oanh kể: “Khi còn sống, cha tôi thường nhắc tới người lính Nhật ấy với tất cả lòng yêu mến và cảm phục. Con người sớm biết phản chiến ấy đi theo cha tôi suốt mùa chiến dịch”. Ông Đốc dặn lại con cháu: Thời cuộc khó khăn, bố đã không ít lần cố gắng viết thư nhờ người tìm gia đình I-si để báo tin mà không thể làm được, sau này kể cả khi bố mất rồi, có điều kiện, các con cố gắng tìm lại gia đình chú ấy. Đó là người thân như ruột thịt của gia đình mình, chú ấy đã nhiều lần cứu bố thoát khỏi cái chết. Chú ấy cũng kể, ở bên nước Nhật, gia đình chú ấy là gia đình cách mạng có tới 5 Đảng viên cộng sản.
Cô giáo – nhà văn Lê Mai Thao, một đồng nghiệp thân thiết “bánh đa bánh đúc” của chị Oanh, con gái ông Đinh Công Đốc, người đầu tiên không phải trong gia đình ông Đốc được đọc cuốn hồi ký sắp nát mủn kia, người đã nhiều lần gặp ông Đốc trước khi ông chết, đã xúc cảm viết cho chúng tôi những dòng như tôn kính thế này: “Bằng uy tín và nhân cách của mình, không những ông Đinh Công Đốc đã đoàn kết được nhân dân các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Dao… ở nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc thành một khối đầy sức mạnh, mà ông còn cảm hóa được người lính Nhật tên là I-Si, một thanh niên trí thức đã tốt nghiệp đại học, quê ở tỉnh Ho ki ha ma. Ông I Si đã mang theo cả một trung đội lính Nhật về với Việt Minh dốc lòng cùng ông Đốc chống Thực dân Pháp. Khi ông Đốc hỏi tại sao lại bỏ theo Việt Minh?; I Si cho biết, người Việt Nam cũng là máu đỏ da vàng như người Nhật, I Si thấy rằng, cuộc kháng Pháp của người Việt Nam là chính nghĩa, anh thấy mình phải có trách nhiệm cùng những người Việt Nam quả cảm chống lại bè lũ thực dân. Kính trọng tài năng và đức độ của người chiến binh trẻ tuổi Đinh Công Đốc, một con người là dòng dõi quan lang nức tiếng đã dám bỏ phù hoa để sẵn sàng “da ngựa bọc thây”, ăn rừng ngủ thác, thoắt ẩn thoắt hiện giữa bời bời bom đạn giặc, để giải phóng quê hương, I Si đã tình nguyện đi theo, cùng ăn, cùng ở và rất gắn bó với ông Đinh Công Đốc. Ông I Si hy sinh thân mình, cũng là vì ông Đốc và khát vọng giải phóng quê hương của Việt Nam khỏi ách thực dân”.
Bà Điệp, con gái ông Đinh Công Đốc, một nhà giáo nghỉ hưu, hiện sống ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng nhớ nguyên văn những lời tâm sự của bố mình trước khi tạ thế: I Si là một người lính thiện chiến, nghĩa tình. Ông ấy đã cứu Đinh Công Đốc khỏi nhiều cái chết trong gang tấc. Và, cái lần định mệnh kia cũng cũng vậy, khi đi ra đường Suối Rút, có Việt gian chỉ điểm, rằng: Đinh Công Đốc sẽ cưỡi ngựa trắng đi tiên phong, cần phải phục kích và hạ sát bằng mọi giá. Giặc Pháp đã bố trí mai phục cả thiên la địa võng súng đạn. Người lính Nhật I Si, dường như có linh tính báo trước chuyện chẳng lành, đã tình nguyện xin đổi ngựa cho ông Đốc. I Si bèn cưỡi con ngựa màu trắng của ông Đốc, I Si trao ngựa đỏ cho người anh kết nghĩa, ông bảo: tình thế ngàn cân treo sợi tóc, giặc Pháp và tay sai đang ráo riết tìm cách ám sát “anh Đốc”, ta cứ đổi ngựa cho an toàn. Quả nhiên, tại Suối Rút hoang vu, từ trong vách núi rậm rạp, đạn súng máy bắn ra như vãi chấu. Tất cả đều nhằm vào cái dáng người uy dũng cưỡi con ngựa trắng, “tiêu điểm” mà kẻ thù nghĩ đó chính là con người bách chiến bách thắng Đinh Công Đốc! I-si Đinh Công Minh đã bị những tràng súng máy của Pháp bắn chết. “Cứ mỗi khi kể về người lính ấy cha tôi lại rơm rớm nước mắt nói rằng chú ấy chết mà không còn gì nguyên vẹn thi hài. Đạn giặc đã làm cho tan nát… Bố đã đi nhặt những mảnh thịt xương nát vụn dọc bờ suối và mang chú ấy chôn ở khu vực Dốc Sung” – bà Điệp ngậm ngùi kể. Rồi bà mâm mê những tấm ảnh đã cũ ố, ảnh I Si ở quê nhà bên nước Nhật, rất là sum vầy. Bà Điệp cũng khóc.
Bây giờ, nước lòng hồ của Công trình thế kỷ đã choán chôn hết tất cả. Dưới hàng trăm mét nước sâu kia là phần di cốt của I Si, có lẽ, vĩnh viễn không có ai trên trần thế còn nhìn thấy phần mộ, xương cốt của I Si nữa. Ông đã trở thành một phần máu thịt, một phần tình nghĩa của xứ sở Việt Nam này. Câu chuyện hy hữu, khó tin về sự “thế mạng hy sinh” của chiến binh người Nhật – I Si – Đinh Công Minh đã được các nhân vật còn sống của chúng ta kể lại như vậy. Họ kể, có lẽ chỉ bởi vì đó là sự thật, chứ không vì một điều gì khác cả. Tôi vẫn hằng hy vọng rằng, bằng những tấm ảnh tương đối phong phú, sinh động đã sưu tầm được, qua báo chí và các con đường có thể có khác nhau, chúng ta sẽ tìm được gia đình I Si Đinh Công Minh chăng? Có ảnh, có tên tuổi, có tên của thành phố quê hương ông, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Để chúng ta hiểu hơn về một người anh hùng lặng lẽ, một người hiến thân cho lý tưởng và tình bác ái. Dường như, biểu tượng của tình gắn bó “máu đỏ da vàng” giữa hai dân tộc Vietj – Nhật đã được thắp lên từ cái ngày quân đội Nhật Hoàng còn làm mưa làm gió trên đất Việt Nam gây nên bao nhiêu thảm họa (như nạn chết đói hơn 2 triệu người năm Ất Dậu, 1945), từ khi quân Đồng minh mới chỉ có… ý định đến Việt Nam giải giáp quân đội Nhật – ngọn lửa ấy được thắp thông qua việc sẵn sàng vong thân vì nghĩa cả của I Si !? Tôi luôn muốn tin là như vậy.
Những tấm ảnh có thể sẽ là chìa khóa đi tìm chân dung người mà gia đình ông Đinh Công Đốc vẫn gọi tên thân mật là I Si.
Ảnh 1 (xem ảnh) do cô giáo Đinh Lâm Oanh tìm thấy, đã rất mờ cũ, mặt sau tấm ảnh có ghi chi chít chữ Nhật, chúng tôi đã nhờ đích danh một doanh nhân người Nhật đang sống ở Hà Nội dịch kỹ càng. Chữ rất mờ, 3 trong số 9 cái tên sau đây có thể có một số ít ký tự được dịch chưa chuẩn, đó là tên của 9 người có mặt trong tấm ảnh chụp 10 người (có thể I Si đã bỏ qua việc ghi tên mình, vì đó là tấm ảnh do I Si lưu giữ?). Chín người đó gồm:
Matsuihiroshi
Nakaiyasuji
Shimazakihideo
Murakamiyosiji
Yamadayoshie
Kanoukazuo
Sakatatokumori
Nishidamishio
Todatakatake
Vậy là mọi chuyện đã sáng tỏ hơn, chúng ta có tới 10 gương mặt và 10 cái tên để đi tìm tung tích (gia đình, dòng họ, quê hương) của I Si bên nước Nhật. Ở tấm ảnh 2 (xem ảnh) thì có bút tích ghi rõ tên thành phố Hô Kê Ha Ma, có thể là nơi I Si đã sinh ra và lớn lên, người trong ảnh là chính ông thuở nhỏ và nhữngngười thân của ông).
Đặc biệt, bên cạnh các cái tên đó, người “chú thích ảnh” còn tình cờ viết một câu cảm thán (có lẽ do I Si viết), nhiều chữ không còn đọc được nữa, nhưng những gì còn dịch được thì cho nội dung như sau: “Cứ nhớ đến là cảm thấy buồn, những người bạn thân thieets từ thuở hàn vi (hoặc trực dịch là từ thời kỳ nông thôn)”.
Tôi (người viết bài này) đã chọn cách không dùng nhiều lời lẽ của mình nữa, chỉ thuyết minh (có lẽ cũng là hơi thừa) vài dòng, rồi trích nguyên nhiều đoạn tự sự do ông Đốc viết rất khúc chiết trước khi về trời để hầu độc giả. Trí dũng song toàn, một nhân cách Mường vằng vặc, một tráng binh đã dốc lòng dụng mưu đánh giặc, góp phần “báo quốc an dân”. Ông Đốc khí khái, quật cường, dũng mãnh, táo bạo nhưng cùng đầy xúc cảm kiểu“lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” trên các bước đường trận mạc. Ông Đinh Công Đốc, từ chỗ là con của một vị quan lang bị “kỳ thị” khi đi vướng núi khi về vướng sông, với những chiến công của mình, đã là một phần của lịch sử xứ Mường trong giai đoạn chẳng thể nào quên đó, nhưng chính ông cũng lại là người chép sử rất thú vị, tỉ mỷ, ngộ nghĩnh, trữ tình.
Thú thực, những gì đã được nghe, đã đọc, đã viết về nhiều vị quan lang, dòng dõi quan lang xứ Mường đã khiến tôi (người viết loạt bài này) cảm thấy hơi bất ngờ. Đâu đó, ở những thời điểm nào đó, chúng ta vẫn ít nhiều mặc cảm, dằn hắt với những ám ảnh về sự tàn ác, độc địa của “nhà lang” trong thời buổi nhiễu nhương ngày cũ? Có lẽ vì thế và vì một vài lý do nữa, mà những câu chuyện kể trên vẫn còn ít người biết đến chăng? Nếu phỏng đoán trên của tôi là đúng, thì dường như chúng ta đã có lỗi với lịch sử, với những nhân cách Mường vạm vỡ như Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Đốc, Đinh Công Phủ, đặc biệt là với I Si quả cảm…
Đỗ Doãn Hoàng
Hà Nội, 1h 3/2/2009
(Mỗi bài có kèm 4 ảnh, hiện nay ảnh đã được sưu tầm, chụp lại và chụp mới, đã gửi kèm các bài viết)