Trong giới ai cũng biết nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu dành 5ha đất ở Hòa Bình để làm bảo tàng không gian văn hóa Mường, rồi mời người dân bản địa đến sống, lao động.
Mới đây, anh chia đôi không gian ấy, dành một nửa để các nghệ sĩ đến sáng tác nghệ thuật đương đại. Triển lãm “Đất Mường”, gồm những tác phẩm sáng tác trong không gian xứ Mường sẽ khai mạc vào ngày hôm nay (30-9).
Rỉ tai nhau biết nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu tổ chức trại sáng tác nghệ thuật đương đại, cảm tác từ đời sống văn hóa của người Mường, các nghệ sĩ tự nguyện tìm đến “Không gian văn hóa Mường”. Trong 10 ngày qua, “Mường studio” là nơi gặp gỡ của 29 nghệ sĩ (14 nhà điêu khắc, 11 họa sĩ, 1 nghệ sĩ âm thanh và 3 nghệ sĩ khách mời) với người dân bản địa để thai nghén những tác phẩm vừa lạ, vừa quen. Họa sĩ Đào Châu Hải, người thiết kế chuyên môn cho trại sáng tác này cho biết: “Ở đây, người nghệ sĩ được tiếp tục công việc mình yêu thích, được hướng về đời sống văn hóa truyền thống, được tương tác – đối thoại về cái mới và cái cũ. Thật không gì thú vị hơn!”. Ông chủ Vũ Đức Hiếu dành cho mỗi nghệ sĩ một khoảng không gian riêng. Họ thích thú làm việc ngày đêm, từ việc gặp gỡ người dân bản địa, tìm hiểu văn hóa người dân, rồi lên ý tưởng, tìm kiếm chất liệu địa phương, chủ yếu là đá, đất, cây cối, sản vật bình dị để thực hiện.
Trên những triền đồi, cáctác phẩm dần hình thành, khá đa dạng về hình thức: điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật địa hình. Người xem sẽ thấy ấn tượng trước đàn trâu gỗ của Phạm Văn Tuấn, xoắn dẫn vào guồng nước của Trần Trọng Tri, khủng long của Nguyễn Tuấn Khôi, tổ chức đời sống người dân tộc của Nguyễn Huy Tính… Và giữa không gian ấy, một ngôi nhà sàn cổ dùng để trưng bày sáng tác hội họa. Đó là những bức tranh của các họa sĩ Lý Trực Sơn, Nguyễn Minh Phước, Hà Trí Hiếu, Trịnh Tuân, Doãn Hoàng Kiên… Có cả tác phẩm của 2 họa sĩ địa phương là Vũ Thị Hoa và Trần Thị Thu, tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Thành gửi từ Đà Lạt ra hay của họa sĩ Vũ Thăng gửi từ Sa Pa xuống. Tuy các tác giả khác nhau về độ tuổi, uy tín nghệ thuật, môi trường công tác đến trường phái hội họa theo đuổi, song gặp gỡ nơi đây, họ đã cùng nhau cống hiến cho nghệ thuật một cách nghiêm túc. Theo đánh giá của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, đây không phải là những gì người Mường có, mà là sản phẩm của giao lưu và phát triển văn hóa. Chúng là cách nhìn nhận văn hóa truyền thống của những nghệ sĩ đương đại, bằng sự bình dị, tinh tế và cởi mở để làm giàu thêm đời sống văn hóa dân tộc.
Giám đốc Vũ Đức Hiếu cho biết, hoạt động này là để khởi đầu cho việc hình thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật đương đại. Anh sẽ dành khu vực riêng cho các nghệ sĩ tới làm việc thường xuyên hằng năm theo hình thức lưu trú. Trại sáng tác năm tới (dự kiến vào tháng 8-2012) sẽ chính thức mời cả nghệ sĩ quốc tế tham gia.
“Võ lâm đại hội” ở xứ Mường – cách gọi vui của các nghệ sĩ về triển lãm sẽ khai mạc vào 10h ngày 30-9 cùng “Festival văn hóa truyền thống của người Mường” – gồm nhiều hoạt động như hát Mo Mường, dân ca; biểu diễn âm nhạc cồng chiêng, trình diễn ẩm thực, kỹ thuật chế tác sản phẩm thủ công… tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình). Triển lãm kéo dài trong một năm.
Hanoimoi.com.vn