Nghề dệt trong đời sống xã hội Mường
Trong xã hội Mường nghề dệt vải trở thành một nghề sản xuất quan trọng, có vị trí hàng đầu trong các nghề thủ công, truyền thống. Vải làm ra một phần phục vụ nhu cầu mặc, mặt khác làm ra các đồ sinh hoạt hàng ngày như: khăn đội đầu, vỏ chăn, gối… và các đồ dùng trong đám cưới, đám ma, lễ tết, hội hè.
Một bộ công cụ dệt hoàn chỉnh gồm: dụng cụ cán bông( Ít), cần bật bông( cung bông), guồng xe sợi và quay tơ( xa), khung cửi. Có hai loại khung cửi: khung dệt vải và khung dệt cạp váy. Cả hai đều gọi là Chường Pại, và đều có cấu tạo tương đối giống nhau, chỉ khác là khung cửi dệt cạp váy gồm nhiều go( co) hơn, hoa văn càng phức tạp thì số go càng nhiều.
Cạp váy( klôốc) dệt bằng tơ tằm, được trang trí bằng nhiều loại hoa văn khác nhau. Hoa văn động vật phổ biến nhất là các loại mô- típ: rồng, phượng, hươu, rùa, cá nhện…, hoa văn thực vật: hoa sen, hoa chùm, móc xích, quả mây, hạt bông…, và các hoa văn hình học. Đặc điểm chung các mẫu hoa văn của người Mường là sự kết hợp hài hoà giữa mầu sắc và hoa văn. Kỹ thuật dệt cũng như cách trang trí được người mẹ truyền dạy cho con gái từ khi các cô gái con ít tuổi, chính vì thế, những nét hoa văn vừa mang tính truyền thống của dân tộc Mường, lại vừa ẩn chứa các nét riêng tâm hồn của người dệt gửi gắm vào trong đó. Xưa kia, nghệ thuật dệt cạp váy là một tiêu chuẩn để đánh giá đức hạnh của một người phụ nữ Mường.
Chương trình
Tóm tắt bài học:
– Giới thiệu lịch sử nghề dệt của người Mường.
– Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của nghề dệt trong sưu tập Bảo tàng Mường.
– Giới thiệu các công cụ, dụng cụ, khung dệt..
– Giới thiệu về các nguồn nguyên liệu
– Nghệ nhân giới thiệu một số kỹ thuật dệt
– Hướng dẫn người học tự dệt sản phẩm đơn giản.
Thời lượng bài học: Từ 1h – 1h30′.