Có thể nói Bảo tàng “ Không gian Văn hoá Mường”, là một trung tâm trưng bầy và lưu giữ quý giá về Văn hoá dân tộc Mường ở mảnh đất Hoà Bình nói riêng và của tộc người Mường sinh sống trên mảnh đất Việt Nam nói chung. Khách du lịch đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn là để tìm hiểu, nghiên cứu về một dân tộc có bề dày lịch sử, và truyền thống văn hoá lâu đời. Một dân tộc được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người Việt cổ, nằm trên vùng đất văn hoá lớn đã được thế giới công nhận. Nền VĂN HOÁ HOÀ BÌNH. Vì vậy, từ nhân dân các miền trong cả nước, đến khách nước ngoài, từ sinh viên đến các nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây.
Bảo tàng được triển khai và phát triển theo quan niệm mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của bảo tàng hiện nay. Đưa bảo tàng đến với đông đảo công chúng, làm cho bảo tàng không bị bó hẹp, khô cứng. Với quan điểm trong một thời gian ngắn khách tham quan có thể hiểu về văn hoá của dân tộc Mường bằng cách: Mọi người không chỉ nhìn, ngắm, xem mà còn được thật sự hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Mường (được mời từ các vùng Mường ra sinh sống) như: làm nương dẫy, xay giã gạo, dệt vải quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào không khí âm nhạc lễ hội, chơi các trò chơi dân gian Mường.
Bảo tàng lấy “Không gian Văn hoá Mường” làm trung tâm, nên cách trang trí bầy đặt đơn giản, gần gũi không cầu kì, nhưng tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất (hàng rào, đường đi, sắp đặt đồ đạc, bàn thờ thổ công.) cũng đều nhằm phản ánh, tái hiện những nét văn hoá đặc trưng cơ bản của dân tộc Mường: kinh tế, đời sống xã hội, phong tục tập quán – một xã hội Mường thu nhỏ.