(HBĐT) – Cách Hà Nội khoảng 70 km, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trong một thung lũng đá vôi nhỏ ở thành phố Hòa Bình. Tạm khép lại bận rộn, chúng tôi tìm về nơi này để hiểu thêm vì sao nhiều người lựa chọn từ bỏ chốn ồn ào đô thị về đây vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần để sống trong không gian tĩnh lặng, gần gũi của người Mường xưa. Không khô khan như cái tên “bảo tàng” thường thấy, du khách đến với nơi đây sẽ có dịp được tìm hiểu về văn hóa Mường trong một không gian gần gũi với thiên nhiên và tràn đầy sức sống.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được thành lập từ năm 2007, rộng khoảng 5 ha. Lối vào được lát đá men theo lưng đồi. Khắp nơi phủ màu xanh ngăn ngắt của những cây sài đất. Sài đất ra hoa quanh năm nhưng rộ nhất là mỗi độ xuân về. Những bông hoa vàng li ti tạo ra những lối đi đầy hoa, mang đến cho Bảo tàng Không gian văn hóa Mường sự thơ mộng. Nhân viên ở Bảo tàng cũng khéo léo dùng những bông hoa vàng xinh xắn, dung dị ấy để cắm trên bàn đón tiếp khách hay trang trí trong phòng nghỉ, tạo ra không gian thân thiện, mộc mạc, ru lòng người.
Một góc Bảo tàng không gian văn hoá Mường
Đón chúng tôi là đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên duyên dáng trong trang phục truyền thống của phụ nữ Mường và họa sĩ Vũ Đức Hiếu – người đã dành cả gia tài, công sức và tuổi trẻ để tìm hiểu, nghiên cứu, thành lập Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. ấn tượng đầu tiên về Hiếu “Mường” là anh ít nói, ánh mắt buồn. Gọi là Hiếu “Mường” nhưng thực tế anh là người Kinh, sinh ra tại Hà Nội. Năm 2000, Hiếu tốt nghiệp thủ khoa khoa Công nghệ thủy tinh, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sở dĩ Hiếu gắn bó với Hòa Bình là do anh lớn lên ở nơi này, tâm hồn, tình cảm đắm trong văn hóa xứ Mường độc đáo.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được chia làm 2 khu: tái hiện và trưng bày. Hiện, Bảo tàng đang lưu trữ khoảng 3.000 hiện vật khác nhau cùng nhiều đầu sách quý nghiên cứu về văn hóa Mường. Để thành lập được Bảo tàng, Hiếu đã có 10 năm dày công sưu tầm.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được Hiếu tái hiện như quần thể xã hội Mường thu nhỏ với 4 khu nhà sàn tương ứng với 4 tầng lớp khác nhau. Điểm dừng chân đầu tiên của khách du lịch là nhà Lang- 1 trong 4 khu nhà sàn nằm trong khuôn viên Bảo tàng. Sau nhà Lang, là nhà ậu – người giúp việc cho quan Lang, tiếp đến là nhà Nóc – của tầng lớp bình dân, cuối cùng là nhà Nóc Trọi – nhà của tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.
Bảo tàng không gian văn hóa Mường thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, khám phá.
Chúng tôi kết thúc hành trình thăm khu tái hiện, trưng bày cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đắm mình trong ánh đèn vàng ấm áp, tỏa ra dìu dịu đủ để thấy những nếp nhà sàn ẩn hiện, guồng nước đơn sơ, tiếng suối chảy róc rách. Không gian tái hiện bữa tối của người Mường đã chờ sẵn với rất nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào Mường. Đây cũng là điểm thú vị của nơi này, khi bạn không chỉ được xem, nghe, giới thiệu về đời sống của người Mường mà còn có thể ăn món ăn Mường, ngủ nhà sàn Mường… Điều đó lý giải, vì sao Bảo tàng Không gian văn hóa Mường trở thành điểm du lịch khép kín hấp dẫn, hợp lý cho dịp nghỉ lễ ngắn hay ngày cuối tuần. Với rau rừng đồ, cá suối nướng, xôi nếp nương nóng hổi, rượu Mường cay nồng, ẩm thực ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường khiến những du khách lần đầu đến đây vô cùng ấn tượng. Nghe nói, nếu đến đúng mùa còn có thể được thưởng thức nhiều đặc sản thú vị khác như kiến, trứng kiến; tháng 8, tháng 9 còn có ong, nhộng tằm…
Lâng lâng trong men rượu say lòng người của vùng Tây Bắc, những du khách lần đầu đến với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đứng sát bên nhau trong đôi bàn tay nắm chặt. Khói củi bốc lên từ đống lửa trại, mang theo mùi cây cỏ núi rừng, hương vị của sự tự do, khoáng đạt lan tỏa trong không trung. Nhất định chúng tôi sẽ trở lại để thêm nhiều lần nữa được trải nghiệm không gian sống, ẩm thực Mường, được ngủ trên nhà sàn, gối đầu bằng những chiếc gối vuông, đắp trên mình tấm chăn thổ cẩm và cùng nói những câu chuyện về nghề dệt, nghề thêu… của phụ nữ Mường.
Hải Yến – Báo Hoà Bình