Tên gọi khác
Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá
Nhóm ngôn ngữ
Việt – Mường
Dân số
1.268.963 người. (điều tra dân số năm 2009) chiếm 1,5% tổng dân số cả nước và 10,8% số dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người Mường đứng thứ 3 về dân số sau người Tày và người Thái. Trong đó nam chiếm 630.983, nữ chiếm 637.980. Số lượng dân cư trú thành thị là 65.683, cư trú nông thôn là 1.203.280
Cư trú
Người Mường cư trú ở một vùng đồi núi rộng lớn từ phía tây bắc của tỉnh Yên Bái, đến phí bắc tỉnh Nghệ An, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Rải rác ở các tỉnh Sơn la, Phú thọ, Hà Tây, Ninh Bình. Những năm gần đây, đã có một số cuộc di dân lớn của đồng bào các dân tộc phía bắc vào Tây Nguyên. Trong đó có người Mường chuyển vào sinh sống là lập nghiệp tại các tỉnh Đắc lắc, Kon tum, Lâm Đồng. Cho đến nay người Mường sinh sống trên địa bàn cả nước.
Đặc điểm kinh tế
Đồng bào Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song… Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo.
Tổ chức cộng đồng
Xưa kia, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ lang đạo, các dòng họ lang đạo (Đinh, Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun, dưới lang cun có các lang xóm hoặc đạo xóm, cai quản một xóm.
Hôn nhân gia đình
Tục cưới xin của người Mường gần giống như người Kinh (chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu) khi trong nhà có người sinh nở, đồng bào rào cầu thang chính bằng phên nứa. Khi trẻ em lớn khoảng một tuổi mới đặt tên.
Tục lệ ma chay
Khi có người chết, tang lễ được tổ chức theo nghi thức nghiêm ngặt.
Văn hóa
Đồng bào Mường có nhiều ngày hội quanh năm: Hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng7, 8 âm lịch) lễ cơm mới…
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khà phong phú, có các thể loại thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng giao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Người Mường ở Vĩnh Phú còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà, tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là “đâm đuống”.
(Theo Dư địa chí Hoà Bình)