[Tạp chí ELLE Decoration – 8/2015] Chính sự đa đoan với văn hóa Mường đã khiến họa sĩ Vũ Đức Hiếu quyết định xây dựng nên bảo tàng văn hóa Mường tại thành phố Hòa Bình.
Từng được Lonely Planet chọn là một trong chín điểm đến hàng đầu dành cho lữ khách khi du lịch Việt Nam, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu dẫn dắt người xem vào một xã hội với đủ giai tầng thông qua lối dựng nhà tiêu biểu trong văn hóa người Mường với Quan Lang – Ậu – Noóc – Noóc Trọi. Trong đó, công trình này phản ánh đầy đủ cuộc sống, tập tính sinh hoạt của người Mường cổ qua hệ thống hiện vật đang mai một dần trong xã hội Mường hiện đại mà chủ nhân, Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã cất công sưu tầm hệ thống này hơn 20 năm qua.
Lý do nào khiến anh chọn nơi xa xôi như Hòa Bình làm bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam về văn hóa Mường – một sản phẩm du lịch hấp dẫn có thể đặt ở một thành phố lớn, trung tâm hơn ?
Hòa Bình là cái nôi của văn hóa Mường cổ, nên muốn tạo dựng không gian văn hóa này, tôi nghĩ phải ở trên đất Mường. Không gian hình thành trong diện tích 5 hecta, tái hiện một xã hội Mường thu nhỏ từ hơn 100 năm trước qua các hiện vật gốc liên quan đến kiến trúc, đời sống, tập tục, ngôn ngữ. Cả 17 gia đình người Mường trong các bản làng từng được mời về và sinh hoạt trong đó.
Là họa sĩ đi mở bảo tàng, đề tài lại liên quan đến mảng văn hóa chuyên biệt về Mường, anh muốn người xem tìm được gì trong đó ?
Các thứ sưu tầm khi trưng bày tôi không đặt chúng vào tủ kính để trở thành hiện vật chết, mà đặt vào đúng không gian, vị trí và công năng sử dụng để người xem được tiếp cận, tương tác với văn hóa Mường ở khoảng cách gần nhất trong không gian một bảo tàng sống. Các hiện vật trưng bày không phải đẹp nhất, hay nhất, giá trị nhất, mà cái tôi muốn là những cái thực nhất, bình dị nhất của cuộc sống người Mường hàng ngày. Tôi không đưa ra cái so sánh giữa dân tộc này với dân tộc khác, mà đưa ra bản chất cốt lõi của dân tộc Mường qua không gian văn hóa Mường.
Anh đánh giá kiến trúc nhà ở đóng vai trò thế nào trong văn hóa truyền thống của người Mường ?
Văn hóa truyền thống gắn liền với không gian kiến trúc, khi kiến trúc thay đổi thì văn hóa cũng biến đổi. Theo khảo sát, hiện các Mường lớn ở Hòa Bình như Bi – Vang – Thàng – Động chỉ còn lại khoảng 10% nhà sàn, trong từng ngôi nhà cũng mất nhiều các hiện vật gốc bởi xã hội phát triển, nhu cầu sẽ cần đến đồ dùng hiện đại như tivi, tủ lạnh, quạt máy…Các kiến trúc nhà ở truyền thống trong không gian bảo tàng đều mang nguyên bản về trang trí, sắp đặt theo lối người Mường cổ.
Đưa mảng nghệ thuật đương đại vào một không gian văn hóa, hẳn là sự kết hợp mới lạ, anh có thể chia sẻ nguyên do?
Trong các nền văn hóa Việt, văn hóa Mường là một dấu ấn quan trọng, là chuyện cần phải kể bởi nó vẫn tồn tại chứ không chỉ trong truyền thuyết. Là họa sĩ, tôi hiểu văn hóa truyền thống khi được lưu giữ, bảo tồn thì công cụ giới thiệu và truyền tải những nét đẹp ấy nhanh nhất chính là nghệ thuật đương đại, có thể là hội họa. điêu khắc, chế tác gốm, sắp đặt, âm nhạc…Mường Studio của Vũ Đức Hiếu hình thành để nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến tìm hiểu văn hóa bản địa và sáng tác trên phông nền ấy. Tôi coi đó là một cách gìn giữ, lưu truyền và giới thiệu nét đẹp văn hóa Mường thông qua hoạt động nghệ thuật.
Bỏ phố lên rừng để sống với người Mường, gắn với xứ Mường, giới thiệu văn hóa Mường…có bao giờ anh bị ám ảnh bởi nỗi đa đoan ấy?
Nghệ sĩ làm cả lĩnh vực văn hóa, cái khổ nhất là khi kinh tế kém, các nghệ phẩm trưng bày không người sưu tầm, bảo tàng vắng khách, vay ngân hàng “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhân viên bỏ việc, duy tu bảo quản công trình…nhiêu khê lắm.
Nhưng điều thành công nhất mà tôi tạo dựng được là một không gian hoàn thiện về xã hội Mường, một sân chơi cho anh em nghệ sĩ Nghệ thuật thị giác, Trình diễn, Đa phương tiện, Gốm và thủ công mỹ nghệ, Kiến trúc, Văn học…đồng thời cũng là điểm đến cho các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm văn hóa Mường dành riêng cho sinh viên, học sinh.
Không gian trưng bày ở Mường Studio đủ cho hoạt động sáng tác và trình diễn nghệ thuật của cùng lúc 20 nghệ sĩ
Chiếc giường ký ức của Vũ Hồng Ninh.
Nghĩa địa cây – tác phẩm sắp đặt trước khi có nạn chặt cây xanh ở Hà Nội