Lặn lội khắp vùng Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, phải tìm những người thật già cả để hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng “mồm miệng tranh nhau thở”, đến được quả đồi chon von án ngữ ở vùng cửa ngõ Tây Bắc ấy. Đó là dinh thự nhà quan lang nổi tiếng của châu Lương Sơn xưa, rộng đủ 13 gian và các khu phụ mênh mông. Quan Tổng đốc tỉnh Hòa Bình đã cho xây ngôi nhà này. Nó như một Sa Pa hay Đà Lạt mát mẻ của xứ Mường. Phóng tầm mắt ra bốn cõi, phong cảnh hữu tình, các bệ thờ, bồn cảnh, nhà ngang dãy dọc, các cột đá khổng lồ nằm ngổn ngang, vòm cổng đá vĩ đại như một pháo đài cổ vẫn còn nguyên. Những bức ảnh chụp các nhà chí sỹ cách mạng nổi tiếng của ta đứng bên pho cổng đá kia vẫn được lưu giữ đến hôm nay. Dấu tích của một thời “vàng son” của dòng dõi quan lang xứ Mường vẫn còn đậm. Chỉ có điều, những người anh hùng vệ quốc là quan lang, là con của nhà lang mà chúng tôi đi tìm, thì đều đã ở trên ban thờ.
Ông Đinh Công Lạc, một nhà giáo, là con trai của quan lang Đinh Công Huy ôm ra một tủ tài liệu vô cùng chỉn chu. Thư của Hồ Chủ tịch, thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp và nhiều lão thành cách mạng của chúng ta gửi cho bố ông Lạc vẫn còn đây. Cả một khoảnh nhà chứa tài liệu, như cái bảo tàng. Mắt ông Lạc buồn rượi rượi, dù kinh tế khó khăn, dù bị “hiểu lầm” là tàn ác như dòng dõi “quan lang” thời đục khoét mãi không thôi, song, ông Lạc chưa bao giờ thôi tự hào về cuộc đời xả thân cho cách mạng của bố mình, các chú mình. Trong thế kỷ 21 này, dường như những chiến công của cụ Huy là điểm neo giữ để ông Lạc bớt cảm thấy mình bị “thị phi” (rơi rớt) bởi cái tiếng con nhà lang!
Ông Đinh Công Huy sinh năm 1898, tại Mường Cời danh giá, vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Vì có bố là quan Tổng đốc tỉnh Hòa Bình thời thuộc Pháp, nên, năm 1928, ông Huy đã làm quan Án sát tỉnh Hòa Bình. Sau vì tính khí cương trực, không thể chấp nhận được sự hống hách của viên Phó sứ người Pháp tên là Mooc-rơ-va, ông Huy đã thẳng tay đánh vào mặt hắn, rồi từ treo mũ áo bỏ về quê sống ẩn dật ở Mường Cời.
Năm 1933, trước sự độc địa của giặc Pháp, ông Huy cùng hai người em là Đinh Công Niết, Đinh Công Nhiếp (bấy giờ đang làm Tri phủ châu Lương Sơn) và các người thân tín đã quyết định tìm đường sang Trung Quốc liên lạc với một bậc trượng phu lịch lãm nhằm mua súng ống về “dựng cờ” đánh đuổi giặc Pháp. Sau này, trong phần khai lý lịch của mình, ông Huy viết (với chứng nhận của nhiều chí sỹ cách mạng nổi tiếng của Nhà nước ta), xin trích: “Vì tiền ít không đủ mua (nhiều) súng, tôi bèn mua hai chiếc máy in về nhà, in được 16 vạn đồng bạc Đông Dương (giả), giao cho tên tuần (tên là Dong) đi Long Châu (Tàu) mua súng. Mới mua được 10 khẩu súng pạc-hooc (súng ngắn, nòng dài độ hơn 1 gang tay) mang về nước, thì chính tên này báo cho giặc Pháp về vây nhà tôi, tịch thu máy móc, súng và tài sản. Chúng kết án tôi 10 năm tù cấm cố, giam ở Hỏa Lò, Hà Nội”. Em trai ông Huy là Đinh Công Niết, sau 10 năm được bố gửi về học ở Trường Bưởi, Hà Nội (có tài điều chế thuốc súng, sản xuất “lựu đạn”, vẽ tranh rất đẹp, biết tự in tráng ảnh), cũng theo anh làm bạc giả đi mua súng, bị bắt, kết án 8 năm trong vụ việc kể trên, bị giam ở nhà lao trên tỉnh Thái Nguyên.
Chi tiết việc 3 anh em nhà ông Huy bị giặc Pháp bắt, ông Lạc đã được bố và các chú kể rất chi tiết, như sau: khi ông Huy in thêm 10 vạn đồng bạc Đông Dương giả nữa, đem ra Hà Nội thì thấy Sáu Nùng, người bạn cùng “ủ mưu” đánh Pháp của mình bị gián điệp Pháp bắt giữ (do có kẻ làm phản). Vốn là chàng trai Mường giỏi võ, lại được đào tạo bài bản trong trường Pháp dành cho con nhà đại quan, ông Niết bèn tả xung hữu đột cứu bạn. Khi quân lính đến quá đông, súng lớn, ông Niết bị bắt, trói vào ghế xe ô tô giải đi. Lợi dụng sơ hở, nông Niết ông đã đánh gục một lý trưởng, một phó lý và hai tên lính dõng được trang bị súng dài rồi băng qua các ruộng ngô vùng Gia Lâm trốn mất. Mãi sau này, bị ông Niết mới bị bắt lại. Ông Nhiếp, vì thương bố mẹ và gia quyến (sợ giặc kéo lên “tru di tam tộc”), đành phải ra hàng. Dụng cụ in tiền giả và súng ống bị thu giữ hết. Ông Huy sống mãi trong rừng nguyên sinh khe Lành Hanh, núi Bù (Mường Cời) với những hang đá in tiền (hang đó giờ ở gần nhà ông Lạc), rồi cũng bị bắt.
Ông Huy bị giặc pháp giam khắp Hỏa Lò, lên Bắc Mê (Hà Giang), Nghĩa Lộ (Yên Bái) rồi về Sa Pa (Lào Cai). Ở trong tù, được gặp các nhà cộng sản vĩ đại như Trần Huy Liệu, Hà Kế Tấn, Đào Gia Lựu, Vương Thừa Vũ, Bùi Lâm…, ông Huy đã thực sự là một người giác ngộ lý tưởng cộng sản. Nếu trước đây, chỉ là một quan lang Mường ngay thẳng, dũng mãnh “chiêu binh mãi mã” đuổi Pháp tìm lại quyền lực cho mình, tìm sự ‘tự trị” cho xứ Mường, thì nay, ông Huy đã thấu hiểu sự lớn lao của lý tưởng Cộng sản. Tuyệt thực, thủ dao cùng đồng đội rạch bụng phản đối chế độ hà khắc trong tù, cuối cùng ông cùng đồng đội đã được kẻ thù cho phép tăng gia cải thiện đời sống, cho vợ con lên… thăm thân. Ông Lạc kể một chi tiết thú vị: vì lý do rạch bụng để được cải thiện, được cho vợ lên Thiên đường du lịch Sa Pa “thăm thân”, mà ông Lạc đã được sinh ra năm 1941, khi mẹ ông lặn lội rừng xanh núi đỏ lên tận Sa Pa thăm chồng với khu buồng “hạnh phúc”. Ông Lạc sinh ra trước khi bố ông ra tù 1 năm, lúc đầu, làng xóm nhiều người không hiểu đã dị nghị về “tiết hạnh” của cụ thân sinh ra ông Lạc (!). “Đến mức, cai ngục nó bảo: cộng sản đấu tranh… có đôi thế này, thì kiểu gì cũng thắng” – ông Lạc nói vui.
Năm 1942, ra tù, về Lương Sơn, ông Huy lại vận động dân chúng vùng Lương Sơn cực lực phản đối nhổ lúa trồng đay và sự tàn nhẫn trong chính sách cai trị của phát xít Nhật, ông lại bị bắt vào tù ở căng Bá Vân rồi tiếp tục bì “đày” lên tận Nghĩa Lộ. Giam cùng với hơn 300 chính trị phạm, được giác ngộ thêm. Ông Huy cùng nhiều nhà cách mạng lão thành của ta bóp cổ tên phó sứ và thằng đồn trưởng, giết lính canh, vượt ngục trong cơn bão đạn truy bắt. Đi bộ, xuống sông, trôi theo sông Hồng, ngược sông Đà, cắt qua vùng Chẹ, về lại Lương Sơn, hành trình vượt ngục của ông Huy kéo dài 19 ngày lăn lộn. Ông Huy đã “hồi ký” lại sự kiện tuyệt thực, vượt ngục vô cùng gian nan ở Bá Vân, Nghĩa Lộ theo cái cách rất là “quan lang”, như sau: “Tôi rất sung sướng và tự hào vì chính bản thân tôi, xuất thân là một con nhà quan lang. Vậy mà với 8 ngày tuyệt thực cùng nhiều cuộc đấu tranh với các hình thức khác, tôi vẫn chịu được!”. “Giặc đã treo giải, ai bắt được chính trị phạm vượt ngục, thưởng 25 nghìn đồng, chặt đầu đem nộp được thưởng 60 nghìn đồng; may mắn cho tôi, có biết chút ít tiếng địa phương nên thoát chết (dù phải nhịn đói 3 ngày trong rừng)”.
Sau này, tham gia cướp chính quyền, lập nhiều chiến công, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, ông Huy còn làm tới chức Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến (nay là Phó Chủ tịch UBND) tỉnh Hòa Bình.