Giới thiệu chế độ Lang đạo.
Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau. Đơn vị tổ chức này đặt dưới sự cai quản của một dòng họ quý tộc mà người Mường vẫn gọi là “nhà Lang”. Tầng lớp thống trị nhà Lang hợp thành những dòng họ phụ hệ, mỗi dòng họ chiếm lĩnh một Mường. Dòng họ Lang tự phân biệt với các dòng họ khác không chỉ bằng Mường họ chiếm lĩnh mà còn bằng một tên họ.
Ở Hoà Bình các dòng họ nắm quyền thống trị lâu đời là các họ: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng. Trong các họ này thì họ Đinh, họ Quách là những họ có thế lực mạnh nhất.
Bộ máy lãnh đạo đứng đầu là quan Lang, các quan Lang gồm có Lang Cun và Lang Đạo là những người thuộc dòng họ quý tộc. Lang Cun là Lang có uy thế và quyền lực lớn các Lang Đạo khác phải phục tùng. Lang Cun thường cử người nhà đi làm Lang đạo ở các xóm trong Mường. Trước cách mạng ở Hòa Bình có 4 Lang Cun có thế lực lớn nhất là:
Lang cun ở Thạch Bi tức Mường Bi ( Tân Lạc)
Lang cun ở Trung Hoàng tức Mường Vang ( Lạc Sơn)
Lang cun ở Mường Thàng ( Cao Phong)
Lang cun ở Vĩnh Đồng tức Mường Động ( Kim Bôi)
Chức Lang được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối. Khi Lang Cun chết nếu không có con trai, vợ Lang Cun có thể lên thay chồng cho đến khi không thể làm nổi chức vụ. Đến lúc này họ hàng nhà Lang cùng với những người tin cẩn chọn một người trong họ đưa lên làm Lang Cun. Cũng có khi chức Lang Cun được trao cho người rể của nhà Lang, trong trường hợp này, người con rể phải bỏ họ nhà mình và lấy họ vợ.
Truyền thuyết Mường kể rằng: Xưa kia vua Dịt Dàng cử bốn vị thần của mình xuống để cai quản các vùng Mường lớn, nên họ là người đại diện cho dân tiếp xúc với thần thánh. Chính vì vậy, người dân vô cùng kính trọng họ, mọi của cải đất đai đến cả bản thân mỗi con người đều thuộc về Lang, nó tồn tại như một sự tất yếu trong xã hội truyền thống Mường…