Nhà sàn Mường là một di sản vật chất hiện hữu của mấy ngàn năm lịch sử, thể hiện quá trình tiếp nối kiến trúc của người Việt cổ, để mô phỏng, khai thác, thích ứng với tự nhiên, mà còn là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời của người Mường.
Giống như một số dân tộc khác nhà sàn của người Mường cũng có hướng đông hay hướng đông nam.Với nơi cư trú ở những sườn núi đá, các khe suối nhỏ; nếu bị những ngọn núi, dãy núi che chắn thì hướng nam của ngôi nhà là hướng về lòng thung lũng, khe suối. Ngôi nhà dựa lưng vào núi, tạo một thế rất vững vàng.
Kiến trúc truyền thống của nhà sàn Mường cơ bản dựa trên nguyên vật liệu như: gỗ, tre, nứa, lá, kết hợp với một chút đất đá. Khung nhà sàn được hình thành trên cơ sở các vì trung gian. Nhà có bốn mái dốc hình mu rùa. Mái được nâng đỡ bằng một bộ khung các vì kèo, được gá lỏng vào các vì cột bằng các ngoãm và dây buộc. Sàn nhà được làm ghép bằng gỗ hoặc bằng bương, tre.
Nhà sàn Mường được tái hiện đầy đủ tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, với bốn ngôi nhà nguyên bản tiêu biểu cho kiến trúc nhà sàn Mường truyền thống, cũng là đại diện cho bốn loại hình sinh sống của bốn tầng lớp trong xã hội Mường cổ: Lang, Ậu, Noóc, Noóc trọi. Cùng với khu trưng bày hiện vật, sưu tập nhà sàn giúp người xem hình dung được hình ảnh bao quát về không gian cư trú, sinh hoạt và văn hóa của người Mường Hòa Bình.