(Trích di bút – một cách nhìn – của ông Đinh Công Niết, chuyên viên hưu trí, ủy ban dân tộc Trung ương, người Mường duy nhất mang tên một Tiểu đoàn và đồng thời là tiểu đoàn trưởng văn võ toàn tài chính cái tiểu đoàn Đinh Công Niết đó)
Ông Niết viết:
Ba dân tộc Mường, Thái, Thổ đứng đầu từng vùng đều có các lang đạo cai quản cha truyền con nối. Về đất đai cư trú đều phải lệ thuộc vào các nhà lang đạo, tổng lý từng nơi. Người Hoa đại đa số ở tập trung vào hai thị trấn Chợ Bờ (châu Đà Bắc), Suối Rút (châu Mai Châu).
Âm mưu của Đế quốc Pháp với các vùng dân tộc rất thâm độc: sau khi bình định xong vùng xuôi, chúng đem quân lên miền núi đánh giết các lang đạo chống đối chúng. Năm 1886, chúng thành lập tỉnh Mường (Province Mường) ở Chợ Bờ, chúng đưa tên Đinh Văn Vinh ở vùng Ba Vì (Sơn Tây) lên làm Tuần phủ để trị một số lang đạo chống đối còn lẩn trốn trên núi. Quyền lợi của lang đạo địa phương bị lung lay, nhân thời gian này có ông Đốc Ngữ (Nguyễn Văn Ngữ) ở vùng xuôi lên tuyên truyền kêu gọi chống giặc Pháp cướp nước. Một số nhà lang như Lãnh Vang (Quách Cưu) ở xã Trung Hoàng (nay là xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Đinh Công Ước (lang Mường Tút, nay là làng Thịnh Lang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nổi lên theo ông Đốc Ngữ, đánh phá tỉnh Bờ, giết tên Ru dơ ri (Raugeri) và Tuần phủ Đinh Văn Vinh. Sau đó, Quách Cưu chạy lên rừng núi ẩn náu, còn lang Mường Tút là Đinh Công Ước bị bắt, giặc Pháp đem hành hình ông ở bãi Cánh Chim bên cạnh Thác Bờ.
Sau vụ này, thực dân Pháp thay đổi sách lược, không lấy quan lang địa phương lên làm Chánh lang nữa. Chúng rời “tỉnh lỵ” xuống xã Hòa Bình, lấy luôn tên tỉnh là tỉnh Hòa Bình, còn ở các châu, chúng lấy những tên lang đạo nào có uy tín ở vùng đó lên làm chức tri châu và phó tri châu, chúng thả lỏng cho các lang này được hưởng một số quyền lợi: như chiếm ruộng đất mở rộng vùng cai quản, gây ra sự mâu thuẫn giữa nhiêu nhà lang với nhau vì sự chiếm đoạt này.
Vài chục năm sau, thực dân Pháp thấy chế độ lang đạo rất cản trở cho sự bóc lột thống trị của chúng, nên chúng đã thực hiện âm mưu rất thâm độc là làm trụy lạc các tay sai (lang đạo) bằng rượu chè, cờ bạc, trai gái, rồi đưa tất cả ra xử lý, sa thải…; đồng thời lợi dụng đạo Gia tô, bằng cách đưa các cố đạo vào tuyên truyền chống các nhà lang. Đưa dần các tên tay sai người Kinh lên thay thế dần các nhà lang ở tỉnh và huyện, đề cao vai trò tổng lý, tước dần quyền hạn của nhà lang. Quan lại hồi này chỉ là bù nhìn, làm bung xung cho tổng lý, không có quyền lực gì nhiều nữa.
Trước tháng 8 năm 1945, tỉnh Hòa Bình không phải xã nào cũng có lang đạo cai quản, và phương thức bóc lột của các nhà lang cũng không giống nhau ở các địa phương (xã). Ở các vùng tiếp giáp với vùng xuôi, chế độ lang đạo nhạt dần, chứ không giống như ở vùng trên. Lang đạo bóc lột theo kiểu phát canh thu tô, hoặc nuôi nhiều con ăn, người ở. Còn tục lệ trong thôn xã, không khác gì vùng xuôi, như: vào đinh, mua ngôi thứ, vào lão, khao vọng, quan viên tế lễ…, hạ thượng điền, mồng một, ngày rằm, tiệc chùa, đình đám… Lang đạo lúc này chỉ còn được hưởng một điểm là khi nào làng xóm có việc khao vọng, tế lễ thì được mời ngồi cỗ trên, hoặc trong các buổi đỏn rước thì đứng hàng đầu. Do vậy một số lang đạo muốn vớt vát chút ít quyền lực thì phải lo chạy vạy nhảy vào làm tổng lý. Thời kỳ chế độ lang đạo còn thịnh hành, nơi nào lang đạo tàn bạo, nông dân làm “cụ lão” phải bỏ lang này đi theo lang khác. Hoặc đi theo đạo Gia tô. Cũng có trường hợp người ta đứng dậy đoàn kết giết chết lang, như ở thôn Sì, Riệc, xã Văn Lãng, châu Lạc Sơn (dìm chết lang Quách Hồng, bắn chết lang Quách Thượng).
(Nhưng, cũng có những nhà lang, con cháu nhà lang thật oai dũng, chí khí, không chấp nhận sống nhàn nhạt vô nghĩa – như những gì mà loạt bài này đang đề cập).