Nghề đan lát ở Mường
Tiếng Mường cổ, Mường (Muang) có nghĩa là một vùng đất, một khu vực có người Mường sinh sống. Tỉnh Hòa Bình thời Pháp thuộc được gọi là tỉnh Mường. Ở Hòa Bình có bốn Mường lớn nổi tiếng : Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động – Tức là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong) và Mường Động (Kim Bôi). Người Mường sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, mọi đồ dùng phần lớn đều từ tre gỗ đất ra cả, trong công cụ lao động rất ít sắt, và nghề rèn sắt của Mường cũng không cao. Sắt chủ yếu thấy trong việc đúc rèn lưỡi cầy, dao rừng và súng săn thô sơ, còn đồng dùng để đúc gò công chiêng. Ngay cả bừa cũng dùng các răng bừa bằng tre. Cái này do đặc điểm ruộng có nhiều đá ngầm nếu răng bằng sắt sẽ gẫy, còn răng tre chỉ cong đi khi va vào đá rồi lại thẳng ra. Đan lát trở thành một nghề phổ biến trong các Mường, nếu ta gọi đó là nghề nghiệp dư hay chuyên nghiệp cũng được.
Gọi là nghiệp dư, bởi đan lát không đem lại thu nhập, mà chỉ phục vụ không thường xuyên cho các nhu cầu gia đình, ai cũng biết đan nhất là các đồ thô sơ. Gọi là chuyên nghiệp bởi có những loại đồ tinh khéo cần tay nghề rất cao, phải đan hàng chục năm mới đạt được. Đỉnh cao của đồ đan là đan chiếc mâm hè, mâm này chỉ dùng để cúng, một kỹ thuật đan vừa bắt và đè năm và sáu cho lòng trong, khi đan xong cả mặt trên mặt dưới đều đẹp như nhau. Vành mâm thì đan bằng mây. Nếu chỉ bắt năm thì được mặt trên, nếu chỉ bắt sáu thì được mặt dưới. Kỹ thuật này cũng hầu như thất truyền. Hiện chỉ còn ít mâm hè của các thầy mo và vài sưu tập.
Nếu nhìn vào những đồ đan đánh bắt cá truyền thống cho thấy một môi trường sống khác hẳn và có lẽ không bao giờ lặp lại được. Đó là những giỏ đựng và hom lớn, kích thước tới vài ba thước dài và đường kính tới hơn nửa thước. Vài chục năm trước người ta có thể bắt được những con cá trên 50kg ở sông Đà. Để đựng chúng đồ đan phải to và chắc. Những đồ đan đánh bắt cá cứ nhỏ dần đi cho đến ngày nay, thì đồ đan không còn thông dụng nữa. Trong gia đình đồ đựng quan trọng nhất là cái bồ (trò ổ) đựng quần áo, bà và mẹ sẽ truyền lại cho cô con gái khi đi lấy chồng. Đó là những bồ đan hai lớp rất bền và đẹp, chức năng như chiếc va li tân thời. Các đồ đựng hoa quả, đựng trầu cau khi đi ăn hỏi thường có đôi, những chiếc rá đựng xôi có chân gỗ đan rất khít và tinh xảo. Việc đan lát thường do các lão nông đảm nhiệm, càng già tay nghề đan càng cao, đến lúc chân yếu tay mềm thì thôi. Từ nhỏ, trẻ con Mường đã phải tập đan lát một cách tự nhiên. Quấn lá thành hom gói đựng tôm cá ngoài đồng, đan bờ rào bờ dậu, đan phên cho gia đình, rồi tiến đến đan giỏ, đan hom đánh bắt và đựng cá, đan đồ đựng đẹp tặng người yêu, rồi đan các đồ thờ cúng. Ai nấy đều từng tham gia làm nhà cho cộng đồng, nên việc đẵn tre, chẻ lạt, đan dứng, đan phên, lợp nhà đều có chút ít kinh nghiệm, cuối cùng trong Mường cũng có vài người đan lát ở mức độ điêu luyện và có thể bán được sản phẩm của mình, dù nó chưa bao giờ trở thành nghề kiếm tiền.
Những đồ đan xong, người ta thường gác lên gác bếp – cái bếp trung tâm sinh hoạt trong ngôi nhà, không bao giờ để tắt lửa – sẽ hong đồ đan cho khô, và bám khói và bồ hóng cho đến khi đen bóng. Những đồ đan được xông khói như vậy có đồ bền cao, chịu được ngấm nước, và chống mối mọt. Thiên nhiên, hoa quả, đồ gốm… gợi ý cho các hình thù của đồ đan Mường. Nó là kết quả của hàng ngàn năm tiếp xúc với cây cỏ trong rừng, với sông suối và đất đai. Hình dạng của đồ đan cứ như sinh ra một cách tự nhiên từ rừng rú vậy. Dù đồ đan khá kỹ và bền, chúng cũng bị tiêu hủy trong quá trình sử dụng, nên chúng cứ tiếp tục được đan mãi để thay thế. Xã hội hiện đại có những đồ dùng khác thay thế, đồ nhựa, đồ kim loại… và từ đầu chúng có vẻ tốt hơn đẹp hơn, tiện dùng hơn, có những công năng mà đồ đan mây tre không có, giá cả lại rẻ hơn công đan một đồ truyền thống. Nguy cơ nghề đan truyền thống Mường mất đi là có thật. Và ai là người luyến tiếc để truyền thừa một nghề đã tồn tại cũng người Mường hàng ngàn năm qua.
Phan Cẩm Thượng
2012