Hoạt động đánh bắt cá diễn ra thường xuyên, trong đời sống sinh hoạt của người Mường. Các loại thuỷ sản nước ngọt trở thành những món ăn chính, trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của họ. Những con cá, con tôm, con cua… dù trên đồng, trong lòng suối, hay khe đá đều là các sản phẩm của tự nhiên không phải nuôi, thả, nên từ lâu người Mường đã coi đó là của chung của dân trong Mường.
Việc kiếm nhặt dưới nước có hai hình thức: cá nhân và tập thể, trước đây trong xã hội nhà Lang hình thức đánh bắt tập thể là chủ yếu. Những buổi nhà Lang tổ chức đi đánh cá diễn ra vô cùng huyên náo, nó thể hiện đời sống sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người Mường.Căn cứ vào đặc điểm địa hình, sự phân bố các con sông, khe suối… người dân Mường Hoà Bình đã sáng tạo ra các công cụ đánh bắt cá của riêng mình. Bên cạnh đó cũng có sự giao lưu, tiếp thu, biến đổi những công cụ đánh bắt cá của một số dân tộc sinh sống xung quanh đó.
Các công cụ đánh bắt cá bao gồm: Kha, Thỏm Thôm, Ngõ lờ, Đánh nhỏ, Đánh lớn, Ngõ hầu, Vó, Nơm, Giỏ… chúng được làm chủ yếu bằng tre, nứa là những nguyên vật liệu không thể thiếu trong sinh hoạt và sản xuất của người Mường.